THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   


Tình huống Một số trao đổi việc thực hiện quy định của pháp luật về mang thai hộ từ thực trang hiện nay.
Lĩnh vực
Chủ đề Pháp luật với người dân và doanh nghiệp
Trạng thái Còn hiệu lực
File đính kèm

Trong thời gian qua có nhiều bài báo đưa tin bài và viết về thực trạng nhiều người thuê người khác mang thai hộ, có những trường hợp với giá 700 triệu đồng, dưới góc độ các quy định của pháp luận tác giả xin trao đổi một số nội dung các quy định pháp luật hiện hành về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.


Theo quy định nay, pháp luật cho phép việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và cấm việc mang thai hộ vì mục đích thương mại, điều này được quy định rõ tại tại điểm g, khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, cấm thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính.

Vậy mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại được hiểu như thế nào để thực hiện cho đúng?

  Theo khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định: Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con. 

  Và tại khoản 23 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định: Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

          Quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là chế định pháp lý quy định về việc sinh con có áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Theo đó, một người phụ nữ đảm bảo đủ các điều kiện, tự nguyện mang thai giúp cặp vợ chồng vô sinh không nhằm mục đích trục lợi khi người vợ của cặp vợ chồng vô sinh không thể mang thai ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy phôi vào tử cung của người tự nguyện mang thai hộ để người này mang thai hộ và sinh con. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc giúp những cặp vợ chồng hiếm muộn có khả năng vẫn được làm cha mẹ.  (khoản 3 điều 3 Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định việc thụ tinh trong ống nghiệm, cho và nhận noãn, cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện).

          Trong tất cả các quyền về con nười thì quyền làm cha, mẹ là một trong những quyền tự nhiên của con người được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Mặc dù khoa học, kỹ thuật về hỗ trợ sinh sản khá phát triển nhưng vẫn không thể giải quyết được hết những vấn đề về sinh sản đối với những cặp vợ chồng vô sinh. Chính vì thế, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có ý nghĩa đối với rất nhiều người, nó góp phần đảm bảo quyền con người do đó vấn đề mang thai hộ trở thành nhu cầu của nhiều cặp vợ chồng. Việc Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cho phép hoạt động mang thai hộ đã thỏa mãn được nguyện vọng của các cặp vợ chồng vô sinh, đồng thời đảm bảo quyền cơ bản của con người là quyền mưu cầu hạnh phúc. Hơn thế nữa mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giúp gia đình thực hiện tốt chức năng cơ bản của gia đình đó là chức năng sinh đẻ, tái sản xuất con người. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giúp đảm bảo khả năng thực hiện chức năng tái sản xuất con người. Nhờ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản mà chức năng duy trì nòi giống của các cặp vợ chồng vô sinh được đảm bảo, đồng thời đáp ứng nhu cầu có con ruột của các cặp vợ, chồng hiếm muộn.

Để thực hiện được việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo tại Điều 98 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cần có điều kiện sau:

          - Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trước tiên phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.

          - Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:

          + Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;

          + Vợ chồng đang không có con chung;

          + Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

          - Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:

          + Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;

          + Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;

          + Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;

          + Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;

          + Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

          - Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

          - Tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 98/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải đáp ứng các điều kiện sau:

          + Có ít nhất 02 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, kể từ ngày được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật này;

          + Tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm tối thiểu là 1.000 chu kỳ mỗi năm trong 02 năm.

                Tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo quy định về hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Cặp vợ chồng vô sinh gửi hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này, gồm:

          - Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị định này;

          - Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị định này;

          - Bản cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào;

          - Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận;

          - Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;

          - Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định này và đã từng sinh con;

          - Bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này;

          - Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ.

          - Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sỹ sản khoa;

          - Bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có trình độ đại học chuyên khoa tâm  trở lên;

          - Bản xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật của luật sư hoặc luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý;

          - Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo quy định tại Mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị định này.

          Để thực hiện được việc mang thai hộ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên của pháp luật, sau khi đứa trẻ ra đời để đăng ký khai sinh cho đứa trẻ theo quy định của Luật Hộ tịch và Nghị định 123/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một thi hành một số điều của Luật Hộ tịch thì hồ sơ phải nộp gồm: Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật (văn bản xác nhận của cơ sở y tế đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ). Phần khai về cha, mẹ của trẻ được xác định theo cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ.

          Như vậy, việc mang thai hộ đã được quy định đầy đủ. Vậy tại sao lại có hiện tượng nhiều trường hợp với mong muốn có con vẫn phải thực hiện việc mang thai hộ vì mục đích thương mại?

          Xét trên cơ sở pháp lý, tác giả nhận thấy hiện nay thủ tục để thực hiện việc mang thai hộ quy định rất chặt chẽ và có nhiều trường hợp khó hoặc không thể thực hiện trên thực tế như: 

          Thứ nhất: Luật Hôn nhân và gia đình quy định chỉ cho phép những người có quan hệ thân thích cùng hàng với cặp vợ chồng nhờ mang thai được phép mang thai hộ. Như vậy sẽ rất hạn chế đối tượng được phép mang thai hộ và tạo ra sự bất bình đẳng cho các trường hợp không có người thân thích cùng hàng. 

          Thứ hai: Bên cạnh đó, việc thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đòi hỏi chi phí lớn cũng là một trở ngại lớn đối với những cặp vợ chồng không thể có con nhưng cũng không có tiền để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm để mang thai hộ. Điều này có thể cũng sẽ gây ra những phản ứng tiêu cực của đối tượng này và vẫn duy trì tình trạng đẻ thuê bằng cách quan hệ trực tiếp để có con.

          Thứ ba: Về quy định "Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng". đối với quy định này phù hợp với trường hợp người mang thai hộ có chồng đồng thuận nhưng lại chưa quy định đến những trường hợp cá biệt như trường hợp hai vợ, chồng đang ly thân, hoặc trường hợp người chồng mất năng lực hành vi dân sự hoặc người chồng bị mất tích... thì chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện các quy định này, nên sẽ làm khó cho bên mang thai hộ.

          Thứ tư: Đối với quy định người mang thai hộ "Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần", đây cũng sẽ là trở ngại và hạn chế quyền có con của những cặp vợ, chồng hiếm muộn vì trên thực tế có nhiều trường hợp chỉ có người đó mới đủ điều kiện mang thai hộ nhưng họ đã mang thai hộ 1 lần nên họ không còn quyền mang thai hộ lần 2 nữa.

          Như vậy, với những những phân tích trên về các quy định của pháp luật đối với việc mang thai hộ và một số hạn chế của các quy định pháp luật hiện hành vô tình đã gây khó khăn cho việc mang thai hộ, xét ở góc độ nào đó thì đây là một trong những nguyên nhân việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được thực hiện đúng trên thực tế, nên từ mong muốn có con của các cặp vợ chồng hiếm muộn dẫn tới tình trạng làm cho việc mang thai hộ vì mục đích "thương mại" có chiều hướng ngày càng nhiều như hiện nay. Để khắc phục tình trạng này, tác giá thiết nghĩ cần thực hiện nhiều biện pháp trong đó giải pháp sửa đổi các quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tiễn, là yêu cầu được đặt ra với các cơ quan có thẩm quyền, nhằm sao cho việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, thực hiện được đúng chức năng và ý nghĩa của nó trên thực tế, đáp ứng được nhu cầu của người dân và đảm bảo quyền con nười một cách tốt hơn./.

   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.