ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN
TRIỂN KHAI MỘT SỐ VĂN BẢN LUẬT MỚI
Sáng 25-10, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai Luật Bảo vệ môi trường; Luật Cư trú; Luật Biên phòng Việt Nam; Kết luận số 05-KL/TW, ngày 3-6-2021 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 20-KH/TU, ngày 21-7-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 05-KL/TW của Ban Bí Thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân Vận Tỉnh ủy, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; Lãnh đạo các sở, ngành, thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh; 945 đại biểu cấp huyện là lãnh đạo UBND huyện, thị xã, thành phố phụ trách công tác PBGDPL, thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện, báo cáo viên pháp luật huyện; trưởng phòng tài nguyên và môi trường; trưởng công an huyện; đồn trưởng các đồn biên phòng, Chính trị viên các Đồn biên phòng và 2.1000 đại biểu là Chủ tịch UBND, Cán bộ Tư pháp - hộ tịch, công chức Tài nguyên môi trường, Trưởng công an xã, phường thị trấn thuộc các điểm cầu cấp xã của các huyện Cẩm Thủy, Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Nga Sơn, Như Xuân, Bá Thước,TP Thanh Hóa, TX Nghi Sơn...
(Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu cấp tỉnh)
Hội nghị được nghe đại diện lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh giới thiệu chuyên đề về Luật Biên phòng Việt Nam. Luật gồm 6 chương, 36 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022, quy định các chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng. Các chính sách của Nhà nước về biên phòng như sách đặc thù phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đối ngoại ở khu vực biên giới; chính sách về Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ vật chất, tài chính, tinh thần cho thực hiện nhiệm vụ biên phòng trên nguyên tắc tự nguyện, không trái với pháp luật Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế… hướng đến mục tiêu thể chế đầy đủ đường lối đối nội, đối ngoại, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước về bảo vệ biên giới quốc gia, đồng thời ghi nhận những chính sách lớn nhằm xây dựng, huy động tiềm lực mọi mặt của quốc gia, tăng cường quốc phòng, an ninh để bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, làm cơ sở để xây dựng những chính sách cụ thể. Ngoài ra, báo cáo viên còn nhấn mạnh một số nội dung để thể hiện rõ tính chất đặc thù hoạt động của Bộ đội biên phòng trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia như: quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng; hình thức và biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới; bảo đảm và chế độ, chính sách về biên phòng, trách nhieemjc ủa các cơ quan, tổ chức về biên phòng.
(Đại tá: Hoàng Văn Hùng - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh - giới thiệu Luật Biên phòng Việt Nam)
Tiếp đó, đại diện Công an tỉnh đã giới thiệu Luật Cư trú. Luật Cư trú 2020 được thông qua ngày 13-11-2020 với 7 chương với 23 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021. So với Luật cư trú 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung 2013, Luật cư trú 2020 có nhiều nội dung quan trọng ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, như: Quản lý công dân bằng thông tin trên Cơ sở dữ liệu về dân cư; chính thức bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú vào 31-12-2022; bỏ điều kiện riêng khi nhập khẩu TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minhnhằm tạo bình đẳng cho tất cả các tỉnh, thành trong cả nước; quy định diện tích nhà ở tối thiểu 8m2 sàn/người…
(Trung tá: Lê Hồng Thái - Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Thanh Hóa
Giới thiệu một số điểm quan trọng của Luật Cư trú 2020)
Đại diện Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường giới thiệu một số điểm chính của Luật Bảo vệ môi trường. Luật được Quốc hội thông qua ngày 17-11-2020 với 16 chương, 171 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022. Luật có nhiều nội dung mới như lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; Lần đầu tiên chế định về thẩm quyền quản lý Nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; Lần đầu chế định cụ thể về kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của doanh nghiệp… Đây là các quy định tạo nền tảng pháp lý cho việc hình thành và phát triển các mô hình tăng trưởng bền vững thông qua việc đẩy mạnh kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đồng thời điều chỉnh được mặt trái của kinh tế thị trường...
(Đ/c: Đặng Quốc Thắng - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường giới thiệu
một số điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường)
Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh cảm ơn các báo cáo viên đã truyền đạt các nội dung của các luật mới đến các đại biểu dự hội nghị. Đồng chí nhấn mạnh: Các luật và văn bản được quán triệt, triển khai tại hội nghị có nhiều quy định mới quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật trên các lĩnh vực.
(Đ/c: Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh,
Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh phát biểu bế mạc Hội nghị)
Để triển khai thực hiện, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, chỉ đạo bộ phận chuyên môn có liên quan tiếp tục nghiên cứu kỹ các nội dung, xây dựng kế hoạch triển khai sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân ở địa phương, ngành, đơn vị hiểu để thực hiện có hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, cần phản ánh một cách có trách nhiệm những nội dung còn bất cập, khó khăn trong triển khai thực hiện để UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện hoặc kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét.
(Các điểm cầu trong tỉnh - Ảnh chụp qua màn hình)
Đối với nội dung Kết luận số 05-KL/TW, 3-6-2021 của Ban Bí Thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kế hoạch số 20-KH/TU, ngày 21-7-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 05-KL/TW của Ban Bí thư, các đại biểu dự hội nghị chủ động nghiên cứu, nắm rõ, bởi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm đạt mục tiêu kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, góp phần tích cực vào phát triển đất nước.
Đồng chí Nguyễn Văn Thi – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch HĐPH phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh yêu cầu Sở Tư pháp là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng tăng thời lượng xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền nội dung luật và văn bản nêu trên. Đồng chí cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tổ chức PBGDPL cho hội viên, đoàn viên của tổ chức mình; phối hợp với cơ quan Nhà nước, tổ chức hữu quan phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật.
Phòng PBGDPL - Sở Tư pháp Thanh Hóa |
File đính kèm |