Nhằm tuyên truyền Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình gắn với giáo dục đạo đức, lối sống và giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp về các mối quan hệ trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; củng cố ý thức pháp luật; đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội, đất nước; xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội. Nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc. Xác định cụ thể nội dung công việc, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương trong việc tổ chức triển khai Bộ tiêu chí nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có 70% hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.
Trên cơ sở Quyết định số 96/QĐ-TTg ngày 19/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030; Thực hiện Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL ngày 28/01/2022 về việc ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình và Quyết định số 979/QĐ-BVHTTDL ngày 26/4/2022 về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đến năm 2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ngày 20 tháng 10 năm 2022 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 251/KH-UBND triển khai thực triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025.
Kế hoạch xác định rõ yêu cầu việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình phải đảm bảo sự thống nhất và có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội; nội dung phong phú, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo sự lan tỏa; thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng tham gia của đông đảo gia đình, cộng đồng, xã hội. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình trình thực hiện; rút kinh nghiệm và nhân rộng triển khai trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo.
Để đảm bảo các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xác định rõ các nhiệm vụ và giải pháp triển khai:
1. Hướng dẫn và tổ chức các hoạt động nghiệp vụ triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì: Xây dựng, cung cấp tài liệu hướng dẫn triển khai thực hiện Bộ tiêu chí trên địa bàn tỉnh; xây dựng, in ấn, cung cấp tờ rơi, tập gấp tuyên truyền Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, tổ chức truyền thông tại cộng đồng dân cư. Lồng ghép hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng triển khai thực hiện Bộ tiêu chí tại các lớp tập huấn về công tác gia đình, về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp trên địa bàn tỉnh.
2. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, cổ động trực quan, không gian mạng, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, thông qua các cuộc thi, hội thi, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ và các hình thức mới thu hút sự quan tâm của đông đảo tầng lớp Nhân dân, các gia đình, thành viên trong gia đình.
- Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch triển khai tổ chức các hoạt động tuyên truyền Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hoá truyền thống tốt đẹp trong gia đình vào các dịp kỷ niệm: Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), ngày Quốc tế Gia đình (15/5), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình, Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11) với nội dung thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn, tạo sự lan tỏa, hiệu ứng xã hội mạnh mẽ tôn vinh giá trị gia đình, thông qua các hình thức như: Treo băng rôn, khẩu hiệu, pano, tờ ráp phích; xe ô tô lưu động có loa phóng thanh, trên trang thông tin điện tử của ngành; tuyên truyền thông qua các cuộc thi, hội thi, hội diễn, liên hoan, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim lưu động trên địa bàn tỉnh; triển lãm tranh cổ động, ảnh thời sự - nghệ thuật; tổ chức các giải thể thao, các hoạt động du lịch cộng đồng, sinh thái; tuyên truyền trên các tài liệu, sách, báo, tạp chí, mở đợt phát hành sách… và các hình thức mới thu hút sự quan tâm của đông đảo tầng lớp Nhân dân, các gia đình, thành viên trong gia đình tham gia.
- Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống truyền thanh cơ sở xây dựng các tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyện mục tuyên truyền những giá trị của gia đình và nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh.
- Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức truyên truyền đến học sinh, sinh viên các cấp trên địa bàn tỉnh nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia 3 đình trong các hoạt động học tập, ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề... lồng ghép nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vào các chương trình, đề án của ngành. Khuyến khích lồng ghép giảng dạy môn đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong trường phổ thông và giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non trên địa bàn, một số nội dung như: Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu; tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà; tiêu chí ứng xử của anh, chị, em,… Đẩy mạnh công tác định hướng, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của học sinh, sinh viên đối với gia đình. Chỉ đạo hệ thống các trường đào tạo, các bậc học tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Đẩy mạnh các giải pháp xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong nhà trường.
- Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Lồng ghép thông tin, truyền thông các nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trong quá trình triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; chăm sóc người có công, người khuyết tật, người cao tuổi và phòng, chống tệ nạn xã hội. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh lồng ghép thông tin, phổ biến các nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vào các hoạt động giáo dục chuyên đề, sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh, sinh viên.
- Sở Tư pháp: Phối hợp trong công tác chỉ đạo theo chức năng nhằm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tình hình thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.
- Ban Dân tộc tỉnh: Triển khai thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch triển khai lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về Bộ tiêu chí, xây dựng gia đình dân tộc thiểu số nhân Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam hằng năm.
- Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Tổ chức các hình thức truyền thông đa dạng, phong phú về nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; lồng ghép nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vào các buổi sinh hoạt, sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đời sống gia đình tại đơn vị cho cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang.
- Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục; tăng cường thời lượng đưa tin, phát sóng về nội dung Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình bằng nhiều hình thức phù hợp, tạo hiệu quả truyền thông tích cực đến mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
- Các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh: Chỉ đạo thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng gia đình nói chung, nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nói riêng trong triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án có liên quan trong giai đoạn 2022 - 2025 của ngành. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cập nhật kiến thức về công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị và Nhân dân.
- Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trong hệ thống Hội; căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Hội để lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp để tuyên truyền về Bộ tiêu chí; chỉ đạo Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện, thị xã, thành phố thực hiện hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; giữ gìn, vun đắp giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình; kỹ năng ứng xử trong gia đình để xây dưng gia đình hạnh phúc; phối hợp tuyên truyền gương điển hình tập thể, cá nhân thực hiện tốt nội dung tiêu chí ứng xử trong gia đình tại các buổi chi hội, tổ phụ nữ, sinh hoạt các mô hình, CLB về gia đình ở địa phương, cơ sở. Khen thưởng, biểu dương các điển hình tiêu biểu, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hoà thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau.
- Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh: Chú trọng giáo dục, tư vấn về tiền hôn nhân gia đình, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc cho nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn; phối hợp xây dựng và nhân rộng mô hình gia đình thanh niên tiến bộ, hạnh phúc; triển khai thực hiện các nội dung trong kế hoạch.
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Người cao tuổi tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh: Tổ chức thực hiện lồng ghép nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vào Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, giữ gìn, vun đắp giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình cho các hội viên, đoàn viên, các tầng lớp Nhân dân; phổ biến sâu rộng nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ về gia đình, câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ, thể thao,… ở địa phương, cơ sở. Đẩy mạnh vận động đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động tích cực hưởng ứng đăng ký thực hiện các nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
- UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tổ chức, hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, đoàn thể cấp huyện, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện hoạt động tuyên truyền, truyền thông về nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện thực tế; tổ chức thực hiện lồng ghép các tiêu chí, giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào quy ước, hương ước ở cộng đồng dân cư; cuộc vân động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”,... Chỉ đạo triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình gắn với thực hiện chính sách, pháp luật về công tác gia đình tại địa phương; chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; xoá bỏ các hủ tục về hôn nhân gia đình; thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình; thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực phụ nữ và trẻ em. Tạo điều kiện để phát triển và duy trì hoạt động của các mô hình gia đình tại cơ sở như: Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình, Câu lạc bộ tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, địa chỉ tin cậy cộng đồng; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và báo cáo viên cấp huyện, xã về về Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Hàng năm, chỉ đạo hướng dẫn triển khai hoạt động đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình gắn với quy trình đăng ký thi đua xây dựng danh hiệu gia đình văn hóa và bình xét, khen thưởng danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu tại cơ sở.
3. Tổ chức phát động đăng ký và đánh giá việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Văn hoá - Thông tin các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai việc đăng ký, đánh giá thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình gắn với quy trình đăng ký thi đua xây dựng và bình xét, khen thưởng danh hiệu gia đình văn hóa trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, coi đây là tiêu chí quan trọng để bình xét danh hiệu gia đình văn hóa, gia đình tiêu biểu hằng năm tại địa phương.
4. Tổ chức khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong quá trình triển khai thực hiện Bộ tiêu chí; khen thưởng, biểu dương gương gia đình tiêu biểu, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ tại cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định của Luật thi đua khen thưởng.
5. Kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình theo chuyên đề hoặc lồng ghép trong hoạt động kiểm tra, giám sát về công tác gia đình.
Giao Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch triển khai, chỉ đạo cấp huyện, xã thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát tình hình triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại các địa phương. - UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc tình hình thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình theo chuyên đề hoặc lồng ghép trong hoạt động kiểm tra, giám sát về công tác gia đình tại địa phương, cơ sở.
6. Tổng kết, báo cáo tình hình triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình giai đoạn 2022 - 2025. Giao Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, thường xuyên giám sát, đôn đốc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; hàng năm, tổng hợp và báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh kết quả thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh (lồng ghép trong báo cáo về công tác gia đình); tham mưu công tác tổng kết theo hướng dẫn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Việc Ủy Ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch số 251/KH-UBND triển khai thực triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 góp phần thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như nhằm thực hiện việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và phát huy vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội và mỗi người dân trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ, góp phần hoàn thiện nhân cách, cùng góp phần xây dựng con người tỉnh Thanh Hóa phát triển toàn diện từ gia đình, khơi dậy khát vọng cống hiến góp phần xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Việc chỉ đạo quyết liệt với những giải pháp cụ thể và sự vào cuộc của tất cả các cơ quan đơn vị, các cấp, các ngành liên quan trong đó có giao nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, đó sẽ là cơ sở để khẳng định việc triển khai sẽ đạt được những kết quả quan trọng trong thời gian tới./.
Lâm Anh |
File đính kèm |