THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

Sở Tư pháp Thanh Hóa tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng, đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Ngày tạo:  06/12/2022 16:18:24
Ngày 02 tháng 12 năm 2022, tại Hội trường lớn của khách sạn Sao Mai - thành phố Thanh Hóa, Sở Tư pháp tiếp tục tổ chức Hội nghị tập huấn cho 07 đơn còn lại vị gồm: thành phố Thanh Hóa; thành phố Sầm Sơn; thị xã Nghi Sơn; huyện Nông Cống; huyện Quảng Xương; huyện Đông Sơn; huyện Triệu Sơn

Sở Tư pháp Thanh Hóa tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng, đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

   Đồng chí: Phan Văn Đại - Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp 

         Để tiếp tục thực hiện tốt và hiệu quả nhiệm vụ đánh giá, công nhận, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nhiệm vụ được giao về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 09/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Đồng thời gắn trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện các tiêu chí tiếp cận pháp luật và xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Sở Tư pháp, Ngành Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; phát huy đầy đủ vai trò của Sở Tư pháp, Ngành Tư pháp trong xây dựng nông thôn mới. Sở Tư pháp đã tăng cường công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng, đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

        Cùng với các đợt tập huấn trước đã được Sở Tư pháp tổ chức theo cụm tập huấn tại các khu vực được tổ chức ở các đơn vị như Hậu Lộc, Quan Hóa, Yên Định, Ngọc Lặc,  ngày 02 tháng 12 năm 2022, tại Hội trường lớn của khách sạn Sao Mai - thành phố Thanh Hóa, Sở Tư pháp tiếp tục tổ chức Hội nghị tập huấn cho 07 đơn còn lại vị gồm: thành phố Thanh Hóa;  thành phố Sầm Sơn;  thị xã Nghi Sơn;  huyện Nông Cống;  huyện Quảng Xương; huyện Đông Sơn;  huyện Triệu Sơn. Hội nghị có sự tham dự của gần 550 đại biểu đến từ các đơn vị thuộc thành phần của Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật; Lãnh đạo và chuyên viên Phòng Tư pháp phụ trách nhiệm vụ đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật. Đại diện Lãnh đạo UBND cấp xã; công chức Tư pháp - Hộ tịch; công chức Văn phòng -Thống kê. Như vậy đến thời điểm hiện tại, Sở Tư pháp đã tập huấn cho 27/27 huyện, thị xã, thành phố và 100% các đơn vị cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh với vị trí công tác trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

        Hội nghị được tiến hành trong thời gian 01 ngày với những nội dung được Sở Tư pháp quan tâm tập huấn gồm: Những quy định của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 25/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg. Đồng thời Hội nghị dành thời gian để trao đổi, giải đáp những vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện trên thực tiễn.

          Trong bài khai mạc Hội nghị của đồng chí Lê Hữu Viên - Phó Giám đốc Sở Tư pháp đã nêu rõ, công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trong của hệ thống quyền ở cơ sở, đồng thời đồng chí xác định trong bộ máy hành chính Nhà nước, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Đây là cấp chính quyền cơ sở, trực tiếp tổ chức thi hành pháp luật và giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến việc thực hiện và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Do đó, để tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhất là ở cấp cơ sở trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nhằm bảo đảm, thực hiện quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Trên cơ sở bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo kết hợp với việc thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các chủ trương, định hướng lớn về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2021 quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Để thực hiện tốt nhiệm vụ về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 230/KH-UBND ngày 29/10/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện Quyết định số 25/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với những nội dung được triển khai cụ thể thuộc trách nhiệm của các sở, ngành cũng như UBND các huyện, thị xã, thành phố. Để thực hiện nhiệm vụ được giao tai Kế hoạch số 230/KH-UBND, trong năm 2022 Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 65/KH-STP ngày 23 tháng 02 năm 2022 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022, trong đó nhiệm vụ nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng, đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được ưu tiên triển khai và xác định đây là nhiệm vụ then chốt trong quá trình thực hiện tốt Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh. Từ những yêu cầu đó đồng chí đã giao trách nhiệm cho các Báo cáo viên có trách nhiệm triển khai hiệu quả các nội dung theo đúng kế hoạch đã đề ra, đồng thời đề nghị các đại biểu quan tâm những nội dung được truyền đạt để thực hiện tốt công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương mình.

Tại Hội nghi đồng chí Phan Văn Đại - báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp Thanh Hóa đã trình bày chuyên đề về các quy định của Quyết định số 25/20211/QĐ-TTg. Với chuyên đề này báo cáo viên đã đi sâu phân tích về sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa của việc ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg trong bối cảnh hiện nay. Những nội dung cơ bản, những điểm mới của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và các quy định về tổ chức thực hiện.

       Đặc biệt báo cáo viên đã đi vào phân tích cụ thể từng tiêu chí, từng chỉ tiêu:  Theo đó Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg có 5 tiêu chí và 20 chỉ tiêu xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Như vậy, so với trước đây (Quyết định 619/QĐ-TTg có 5 tiêu chí và 25 chỉ tiêu), số lượng tiêu chí vẫn giữ nguyên nhưng đã giảm số lượng chỉ tiêu giảm 5 chi tiêu.

Về các tiêu chí: Tiêu chí 1 tiếp tục được kế thừa, tuy nhiên có sửa đổi từ  tiêu chí về bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật; Tiêu chí 2 được kế thừa từ tiêu chí Phổ biến giáo dục pháp luật của Quyết định 619/QĐ-TTg và có bổ sung nội dung tiêu chí tiếp cận thông tin; Tiêu chí 3 được kế thừa từ tiêu chí hòa giải ở cơ sở và bổ sung các nội dung trợ giúp pháp lý; Tiêu chí thứ 4 được kế thừa chỉnh sửa từ tiêu chí thực hiện dân chủ cơ sở tại Quyết định 619/QĐ-TTg và Tiêu chí 5 được kế thừa, chỉnh sửa từ tiêu chí thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã và tích hợp một số những nội dung của Tiêu chí bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật.

Về các chỉ tiêu thì có 16 chỉ tiêu được kế thừa, sửa đổi để đảm bảo tính khả thi, đề cao tính đầy đủ, kịp thời, đúng quy định trong việc thực hiện trách nhiệm của chính quyền cấp xã và có 4 chỉ tiêu được bổ sung mới theo hướng chú trọng tới công tác phổ biến giáo dục pháp luật, Trợ giúp pháp lý, thể hiện sự gương mẫu của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ chấp hành pháp luật và bảo đảm an toàn về an ninh trật tự nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong việc tiếp cận pháp luật và đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

       Báo cáo viên đã chỉ ra những nguyên tắc trong việc thực hiện các tiêu chí, các chỉ tiêu cụ thể như:

+ Thứ nhất là tập trung vào các nhiệm vụ của chính quyền cấp xã trong việc thi hành Hiến pháp và pháp luật và đặc biệt là không phát sinh thêm những nhiệm vụ mới cho cấp chính quyền này. Qua đây cấp chính quyền thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao và đảm bảo các nhiệm vụ được triển khai đầy đủ và thực chất.

+ Nguyên tắc thứ hai đó là bảo đảm cho người dân được thụ hưởng tới quyền, lợi ích theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Những giá trị của Hiến pháp và pháp luật được triển khai trên thực tế đảm bảo cho quá trình cả các cơ quan nhà nước và nhân dân thực hiện theo đúng quy định góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

+ Nguyên tắc thứ ba đó là bảo đảm tính khả thi tính kế thừa và đặc biệt nó phải phù hợp và đáp ứng được các yêu cầu bối cảnh của thực tiễn trong các giai đoạn hiện nay. Chúng ta thấy rõ nguyên tắc này trong các tiêu chí, đảm bảo các tiêu chí được triển khai phù hợp với thực tiễn, tránh việc khó thực hiện cũng như hạn chế tình trạng hoàn thiện hồ sơ một cách hình thức.

+ Nguyên tắc thứ tư trong việc quy định các tiêu chí chỉ tiêu đó chính là phải có cơ sở đánh giá thể hiện qua các tài liệu kiểm chứng để tránh việc làm, triển khai hình thức. Đây là nguyên tắc mà các đồng chí hết sức lưu ý, mọi điểm số của từng chỉ tiêu thuộc các tiêu chí phải được chấm điểm khách quan dựa trên các hồ sơ minh chứng, nếu đáp ứng đúng hồ sơ mới thực hiện việc cho điểm, yếu tố này thể hiện sự khách quan, và đảm bảo sự triển khai trên thực tiễn.

Báo cáo viên đã khẳng định những điểm mới quan trọng về nội dung của các tiêu chí chỉ tiêu đã đặt ra yêu cầu thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã dựa trên các cơ sở và theo đúng quy định pháp luật một cách kịp thời, đầy đủ, điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật tại cơ sở. Việc thực hiện tốt các tiêu chí, chỉ tiêu góp phần cho chính quyền cấp xã đảm hoàn thành tốt các nhiệm vụ thuộc tất cả các lĩnh vực và đảm bảo cho người dân hưởng thụ đầy đủ các giá trị pháp lý theo đúng quy định.

Với chuyên đề triển khai Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 25/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, đồng chí Cao Văn Phương - báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh thuộc Sở Tư pháp đã truyền tải và phân tích kỹ từng nội dung quy định của Thông tư, đặc biệt đồng chí đi vào phân tích các nội dung của quy định dễ có những cách hiểu khác nhau gây khó cho quá trình thực hiện trên thực tiễn.

       Báo cáo viên đã chỉ ra những điểm mới trong Thông tư 09/2021/TT-BTP, với 5 tiêu chí gồm 20 chỉ tiêu và 35 nội dung thực hiện, các nội dung tập trung vào trách nhiệm, nhiệm vụ của chính quyền địa phương, gắn với các lĩnh vực liên quan đến quyền và lợi ích của người dân. Về cách chấm điểm của từng nội dung theo tỷ lệ % kết quả đạt được để xác định điểm số và theo điểm số đã quy định cụ thể của từng nội dung. Điểm số là cơ sở để cấp xã xét điều kiện để đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đối với tài liệu kiểm chứng là những sản phẩm, kết quả , đầu ra của quá trình cấp xã triển khai nhiệm vụ, trong quá trình gửi hồ sơ xem xét, các tài liệu không phải gửi kèm theo, trường hợp cần thiết được cung cấp theo yêu cầu…. Những điểm mới về quy trình đánh giá cũng như Hội đồng chuẩn tiếp cận pháp luật cũng được Báo cáo viên chỉ ra để các đại biểu nắm vững.

Tại Hội nghị, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai đã được nhiều đại biểu trao đổi và nêu ra, trong đó có những khó khăn về công tác chỉ đạo, khó khăn trong quá trình phối hợp và những khó khăn về việc bố trí kinh phí triển khai…., với những khó khăn về chuyên môn các báo cáo viên đã giải đáp kịp thời, đồng thời các báo cáo viên đã hướng dẫn cán bộ chuyên môn kỹ năng trong việc chuẩn bị hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền xét đạt chuẩn đối với xã về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đặc biệt các quy định mới về các tiêu chuẩn trong quy định các xã phải đảm bảo có ít nhất 01 mô hình về phổ biến, giáo dục pháp luật, 01 mô hình về hòa giải cơ sở đạt hiệu quả và nhân rộng, các quy định về tỷ lệ hòa giải cơ sở, cũng như quy định về trợ giúp pháp lý.

Với những nội dung được tập huấn kỹ, cùng với các đại biểu cấp xã, các đại biểu cấp huyện là những cán bộ trực tiếp làm công tác xây dựng và đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật sẽ là cơ sở thuận lợi là điều kiện để các địa phương thực hiện tốt công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, từ đó đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích của nhân dân trên địa bàn, cùng xây dựng chính quyền vững mạnh góp phần xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh./.

 


Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.