THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

Thanh Hóa chỉ đạo triển khai một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động, thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững

Ngày tạo:  17/06/2023 10:33:47
Ngày 16 tháng 6 năm 2023 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 165/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động, thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

Theo đánh giá của Chính phủ, thời gian qua, dịch Covid-19 và các biến động phức tạp về địa chính trị kinh tế thế giới đã và đang ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh chịu nhiều sức ép lớn, khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ của tình hình thế giới, với nguồn lực còn hạn chế, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sát sao của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chung sức, đồng lòng và quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống chính trị, sự hợp tác giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời các bộ, ngành và địa phương triển khai nhiều chính sách, giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, duy trì tỉ giá, lãi suất hợp lý, cơ bản ổn định so với các nước lớn và trong khu vực đang chịu nhiều biến động; giảm đáng kể áp lực chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Chính vì vậy, cùng với sự nỗ lực vượt qua khó khăn, tinh thần đổi mới, chủ động thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh thời gian qua đã có nhiều tín hiệu phục hồi khởi sắc. Khu vực doanh nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng đáng khích lệ ngay trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp tục được củng cố và có xu hướng tích cực.

Mặc dù vậy, tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian tới dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn: ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn còn hiện hữu; vấn đề biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt diễn ra bất thường; cạnh tranh chiến lược của các cường quốc; xung đột quân sự Nga - Ucraina có thể kéo dài; vấn đề lạm phát ở nhiều quốc gia có khả năng trở thành vấn đề dai dẳng trong trung hạn; giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu còn ở mức cao; sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn... Ngoài ra, sự dịch chuyển chuỗi giá trị, yêu cầu của đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ; các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26); vấn đề thuế các-bon, công cụ kiểm chứng các-bon được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới...đang đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới để bắt kịp xu thế mới nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen. Để có thể đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua, Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; trong đó cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò là lực lượng tiên phong, nòng cốt, quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững cả về số lượng, chất lượng, thực sự trở thành lực lượng quan trọng đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quyết liệt, hiệu quả những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. 

Để thực hiện đúng quan điểm của chính phủ quán triệt thực thi đầy đủ và hiệu quả các nghị quyết, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích phát triển doanh nghiệp; bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo Hiến pháp và pháp luật; kiến tạo phát triển và kiểm soát rủi ro, lành mạnh hóa môi trường đầu tư kinh doanh; không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật; củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân; bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực và chính sách. Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Khơi thông các điểm nghẽn với phương châm “sớm nhất, hiệu quả nhất”, huy động, giải phóng các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, mở rộng hợp tác quốc tế. Bảo đảm tính ổn định, nhất quán, dễ dự báo, rõ ràng, minh bạch, hiệu quả và thực chất của chính sách; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, thuận lợi, an toàn và thân thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế; đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch, hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước. Chủ động xây dựng chính sách và chuẩn bị các nguồn lực cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng với các biến động trong tương lai, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững. Hỗ trợ doanh nghiệp trọng tâm, trọng điểm, đón đầu các xu hướng kinh doanh mới; phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và kinh doanh bền vững; thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực tiềm năng tạo động lực tăng trưởng mới và thực hiện các mục tiêu bền vững. Ngày 16 tháng 6 năm 2023 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 165/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động, thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

Kế hoạch đã xác định rõ mục đích, yêu cầu:  Tổ chức quán triệt, triển khai, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ; tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh. Xác định rõ trách nhiệm của các ngành, địa phương, đơn vị trong việc thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động, thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Kế hoạch là căn cứ để các ngành, địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công; đồng thời, là căn cứ để tổ chức, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các ngành, địa phương, đơn vị. 

Để thực hiện đạt các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã đưa ra hai nhóm giải pháp.

Đối với nhóm nhiệm vụ, giải pháp triển khai trong ngắn hạn: UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung: Tập trung giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước; Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tạo cơ hội, ổn định việc làm cho người lao động; đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.

Đối với nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong trung và dài hạn, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; Thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; Hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0; Tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, thị trường mới.

Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phổ biến, quán triệt Kế hoạch này đến cán bộ, công chức, người lao động, các cơ quan, đơn vị trực thuộc và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn; khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan, địa phương, đơn vị mình được giao tại Kế hoạch này; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện và kịp thời điều chỉnh các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể cho phù hợp với tình hình thực tế; xử lý nghiêm cán bộ, công chức gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật giao Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong toàn tỉnh, tạo sự đồng thuận trong xã hội về quan điểm, mục tiêu và các giải pháp chủ yếu theo tinh thần Nghị quyết của Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh./.


Vân Dương

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.