Nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân trên địa bàn Phường Nam Ngạn và thiết thực hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, trên cơ sở thực hiện Kế hoạch số 710/KH-UBND, ngày 12/6/2023 của Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa về tổ chức tuyên truyền, phổ biến các Luật, Nghị quyết mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Kỳ họp bất thường lần thứ hai, cũng như Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2023 của UBND phường Nam Ngạn. Chiều ngày 28 tháng 6 năm 2023, UBND phường Nam Ngạn đã phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng phường tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật quý II/2023.
Hội nghị có sự tham gia của hơn 150 đại biểu là cán bộ, công chức của phường, các đại biểu tổ dân phố, đặc biệt có sự tham gia của các đại biểu là đại diện các gia đình điển hình trên địa bàn phường cũng như các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn nhưng biết vươn lên trong cuộc sống.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND phường Nam Ngạn đã nêu bật ý nghĩa của Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, cũng như những hoạt động của UBND phường nhằm thiết thực kỷ niệm và tôn vinh ngày truyền thống này. Đồng thời đồng chí cũng khẳng định việc triển khai các Luật mới được Quốc hội thông qua có ý nghĩa rất quan trọng để sớm đưa pháp luật vào cuộc sống theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND thành phố Thanh Hóa, chính lẽ đó UBND phường đã phối hợp để tổ chức Hội nghị nhân dịp Ngày Gia đình Việt Nam. Đồng chí cũng mong muốn trên cơ sở các nội dung được tuyên truyền, cán bộ, công chức trên địa bàn phường cũng như các đại biểu đến từ các khu phố tiếp tục có những triển khai để góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân và đưa pháp luật vào đời sống. Lãnh đạo UBND phường cũng đã cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện của Sở Tư pháp đã hỗ trợ báo cáo viên triển khai tại Hội nghị đạt kết quả cao.
Tại Hội nghị, đồng chí Phan Văn Đại, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp, báo cáo viên tại Hội nghị đã trình bày những chuyên đề về Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, trình bày nội dung về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Báo cáo viên đã nhấn mạnh, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, được quy định tại Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg ngày 04/5/2001 Thủ tướng Chính phủ, xác định gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của trẻ em. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua hơn 20 năm thực hiện, Ngày Gia đình Việt Nam đã thực sự trở thành một sinh hoạt văn hóa chính trị cộng đồng sâu rộng, lành mạnh, có ý nghĩa giáo dục, động viên cao đến mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, tôn vinh những giá trị truyền thống. Qua đó, tạo cơ hội cho các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; nhắc nhở mọi người dân cố gắng xây dựng cuộc sống ấm no, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ, không những biết yêu thương, giữ gìn và có trách nhiệm đối với hạnh phúc gia đình mà còn thể hiện trách nhiệm đối với tương lai của đất nước.
Về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Báo cáo viên đã chỉ ra những nội dung cơ bản, những điểm mới của Luật: Luật có hiệu lực thi hành vào ngày 01 tháng 7 năm 2023. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 02/2007/QH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, ngoài ra Luật này còn sửa đổi, bổ sung Điều 135 của Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Bộ luật số 45/2019/QH14 và Luật số 59/2020/QH14 như sau: “Điều 135. Tòa án tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tòa án tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 14 Điều 114 của Bộ luật này trong trường hợp đương sự không yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”. Báo cáo viên đã tập trung trao đổi những điểm mới được Luật quy định so với quy định hiện hành như quy định về hành vi bạo lực tình dục lần đầu được đưa vào Luật này, Luật tăng số lượng hành vi được coi là bạo lực gia đình… đồng thời báo cáo viên nhấn mạnh vai trò của chính quyền cơ sở cũng như các tổ chức đoàn thể ở khu phố trong việc bảo vệ và phòng, chống bạo lực gia đình.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023, Đối với Luật này báo cáo viên đặc biệt nhấn mạnh Luật đã thể chế hóa quan điểm lấy dân làm gốc là trong truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Kế thừa và phát triển tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, cũng như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Tất cả đường lối, phương châm, chính sách... của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của Nhân dân nói chung”. Thể chế quan điểm của Nghị quyết Đại hội XIII (năm 2021) của Đảng trong việc xác định rõ một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của Nhân dân”; “Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”; đồng thời khẳng định và yêu cầu thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Báo cáo viên đi sâu phân tích những điểm mới trong thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật so với Pháp Lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Những điểm mới nổi bật đã được chỉ ra từ đổi bố cục của nội dung về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Về công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn; về vấn đề nhân dân bàn, quyết định; về nội dung Nhân dân tham gia ý kiến…; Báo cáo viên đã đánh giá Luật năm 2022 là nền tảng chính trị, pháp lý quan trọng để Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện đường lối, chủ trương; chính sách, pháp luật về dân chủ nói chung, dân chủ ở cơ sở nói riêng, từ đó góp phần hoàn thiện các thiết chế về dân chủ. Các quy định của Luật năm 2022 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn nhằm tiếp tục khẳng định và góp phần thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” của Đảng, bảo đảm quyền làm chủ và vai trò tự quản của Nhân dân ngay từ cấp cơ sở.
Việc triển khai các Luật mới trước khi Luật có hiệu lực thi hành là cần thiết, báo cáo viên đã đánh giá cao sự quan tâm của chính quyền Phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa trong công tác triển khai pháp luật và đưa pháp luật vào cuộc sống, đảm bảo pháp luật được triển khai đầy đủ và kịp thời mang lại hiệu quả và nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, đảm bảo mỗi người dân tuân thủ theo đúng hiến pháp và pháp luật.
Tại Hội nghị này, UBND phường Nam Ngạn đã phối hợp với các đoàn thể trên địa bàn trao 30 xuất quà cho các gia đình tiêu biểu, các chị em Phụ nữ và các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, qua đây góp phần chia sẻ, động viên, khuyến khích các hoàn cảnh khó khăn vượt lên trong cuộc sống, đồng thời cũng nhân rộng hình ảnh gia đình gương mẫu, góp phần xây dựng phong trào gia đình ấm no, hạnh phúc trên địa bàn phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa.
Lâm Anh |
File đính kèm |