Thực hiện Kế hoạch số 46/KH- UBND ngày 02/3/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2023; Quyết định số 312/QĐ-UBND ngày 19/01/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình công tác Tư pháp năm 2023. Ngày 13/7/2023, Sở Tư pháp Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng và nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và huyện.
Đ/c Lê Hữu Viên, PGĐ Sở Tư pháp phát biểu khai mạc Hội nghị
Tham dự hội nghị có Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ; Đ/c Tô Thị Thu Hà, Trưởng phòng Truyền thông chính sách, phổ biến giáo dục pháp luật, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp; lãnh đạo Sở Tư pháp Thanh Hóa; đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện và phòng tư pháp 27 huyện, thị xã, thành phố.
Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh Tra, Thanh tra Chính phủ truyền đạt các chuyên đề.
Tại hội nghị, Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã phân tích và làm rõ các nội dung kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2018. Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và giải đáp những vướng mắc liên quan đến các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong đó, tập trung phân tích chuyên đề về 12 hành vi tham nhũng, bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Chuyên đề về 5 hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao gồm: Mức độ lớn và phổ biến; Tính chất phức tạp, thủ đoạn tinh vi, trắng trợn; Tài sản có giá trị lớn; Nhiều người tham nhũng có chức vụ cao; Hành vi đa dạng, xâm phạm đến nhiều lĩnh vực “nhạy cảm”. Và chuyên đề Quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật…
Toàn cảnh hội nghị.
Đ/c Tô Thị Thu Hà, Trưởng phòng Truyền thông chính sách, phổ biến giáo dục pháp luật, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã hướng dẫn 02 nội dung về kỹ năng xây dựng, triển khai khung mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật và kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp. Giới thiệu khung mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật cấp cơ sở và hướng dẫn sử dụng khung mô hình để tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Hướng dẫn quy trình triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bao gồm: xác định mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, chủ thể tổ chức, phương thức, nguồn lực. Cách xây dựng đề cương bài tuyên truyền phổ biến pháp luật và kỹ năng tiến hành một buổi tuyên truyền trực tiếp.
Đ/c Tô Thị Thu Hà, Trưởng phòng Truyền thông chính sách, phổ biến giáo dục pháp luật, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp truyền đạt nội dung tại Hội nghị
Qua lớp tập huấn nghiệp vụ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng và nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật tỉnh và cấp huyện trên địa bàn tỉnh được nâng cao kiến thức và kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật tại các cơ quan, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở nước ta hiện nay nhằm xây dựng một xã hội đề cao các giá trị của quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trên tinh thần dân chủ, pháp quyền trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội./.
Phạm Sơn |
File đính kèm |