THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

Tìm hiểu một số điểm nổi bật của Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân

Ngày tạo:  03/10/2023 16:58:06
Ngày 14/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 với một số điểm nổi bật đáng chú ý sau đây.

1. Dữ liệu cá nhân là gì?
Dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể. Dữ liệu cá nhân bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm. ( theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định 13/2023/NĐ-CP)
2. Dữ liệu cá nhân nhạy cảm là gì?
Dữ liệu cá nhân nhạy cảm là dữ liệu cá nhân gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân mà khi bị xâm phạm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân gồm:
- Quan điểm chính trị, quan điểm tôn giáo;
- Tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án, không bao gồm thông tin về nhóm máu;
- Thông tin liên quan đến nguồn gốc chủng tộc, nguồn gốc dân tộc;
- Thông tin về đặc điểm di truyền được thừa hưởng hoặc có được của cá nhân;
- Thông tin về thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học riêng của cá nhân;
- Thông tin về đời sống tình dục, xu hướng tình dục của cá nhân;
- Dữ liệu về tội phạm, hành vi phạm tội được thu thập, lưu trữ bởi các cơ quan thực thi pháp luật;
- Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các tổ chức được phép khác, gồm: thông tin định danh khách hàng theo quy định của pháp luật, thông tin về tài khoản, thông tin về tiền gửi, thông tin về tài sản gửi, thông tin về giao dịch, thông tin về tổ chức, cá nhân là bên bảo đảm tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;
- Dữ liệu về vị trí của cá nhân được xác định qua dịch vụ định vị;
- Dữ liệu cá nhân khác được pháp luật quy định là đặc thù và cần có biện pháp bảo mật cần thiết. (Khoản 4 Điều 2 Nghị định 13/2023/NĐ-CP)
3. Vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân có thể xử lý hình sự
Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân tùy theo mức độ có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự theo quy định. (Điều 4 Nghị định 13/2023/NĐ-CP)
4. Biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân
Biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân được áp dụng ngay từ khi bắt đầu và trong suốt quá trình xử lý dữ liệu cá nhân.
Các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân, bao gồm:
- Biện pháp quản lý do tổ chức, cá nhân có liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân thực hiện;
- Biện pháp kỹ thuật do tổ chức, cá nhân có liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân thực hiện;
- Biện pháp do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan;
- Biện pháp điều tra, tố tụng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện;
- Các biện pháp khác theo quy định của pháp luật. (Điều 26 Nghị định 13/2023/NĐ-CP)
5. Điều kiện bảo đảm hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân
- Lực lượng bảo vệ dữ liệu cá nhân:
+ Lực lượng chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân được bố trí tại Cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân;
+ Bộ phận, nhân sự có chức năng bảo vệ dữ liệu cá nhân được chỉ định trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm bảo đảm thực hiện quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân;
+ Tổ chức, cá nhân được huy động tham gia bảo vệ dữ liệu cá nhân;
+ Bộ Công an xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm phát triển nguồn nhân lực bảo vệ dữ liệu cá nhân.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng, nâng cao nhận thức bảo vệ dữ liệu cá nhân cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Bảo đảm cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động cho Cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân. (Điều 30 Nghị định 13/2023/NĐ-CP)
6. Cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân
Cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, có trách nhiệm giúp Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân. (khoản 1 Điều 29 Nghị định 13/2023/NĐ-CP)
7. Xử lý dữ liệu cá nhân là gì?
Xử lý dữ liệu cá nhân là một hoặc nhiều hoạt động tác động tới dữ liệu cá nhân, như: thu thập, ghi, phân tích, xác nhận, lưu trữ, chỉnh sửa, công khai, kết hợp, truy cập, truy xuất, thu hồi, mã hóa, giải mã, sao chép, chia sẻ, truyền đưa, cung cấp, chuyển giao, xóa, hủy dữ liệu cá nhân hoặc các hành động khác có liên quan.
Sự đồng ý của chủ thể dữ liệu là việc thể hiện rõ ràng, tự nguyện, khẳng định việc cho phép xử lý dữ liệu cá nhân của chủ thể dữ liệu. (Khoản 7, 8 Điều 2 Nghị định 13/2023/NĐ-CP)
8. Trường hợp dữ liệu cá nhân được xử lý không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu
- Trong trường hợp khẩn cấp, cần xử lý ngay dữ liệu cá nhân có liên quan để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chủ thể dữ liệu hoặc người khác. Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên thứ ba có trách nhiệm chứng minh trường hợp này.
- Việc công khai dữ liệu cá nhân theo quy định của luật.
- Việc xử lý dữ liệu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm; khi có nguy cơ đe dọa an ninh, quốc phòng nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; phòng, chống bạo loạn, khủng bố, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của luật.
- Để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của chủ thể dữ liệu với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của luật.
- Phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước đã được quy định theo luật chuyên ngành. (Điều 17 Nghị định 13/2023/NĐ-CP)
9. Một số trường hợp xử lý dữ liệu cá nhân
Xử lý dữ liệu cá nhân thu được từ hoạt động ghi âm, ghi hình tại nơi công cộng
Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền được ghi âm, ghi hình và xử lý dữ liệu cá nhân thu được từ hoạt động ghi âm, ghi hình tại nơi công cộng với mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật mà không cần có sự đồng ý của chủ thể.
Khi thực hiện việc ghi âm, ghi hình, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo để chủ thể hiểu được mình đang bị ghi âm, ghi hình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. (Điều 18 Nghị định 13/2023/NĐ-CP)
Xử lý dữ liệu cá nhân của người bị tuyên bố mất tích, đã chết
- Việc xử lý dữ liệu cá nhân liên quan đến dữ liệu cá nhân của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết phải được sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con thanh niên của người đó, trường hợp không có những người này thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết, trừ trường hợp tại mục 2 và mục 3.1.
- Trường hợp không có tất cả những người trên thì được coi là không có sự đồng ý. (Điều 19 Nghị định 13/2023/NĐ-CP)
Xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em
- Xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em luôn được thực hiện theo nguyên tắc bảo vệ các quyền và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
- Việc xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em phải có sự đồng ý của trẻ em trong trường hợp trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo quy định, trừ trường hợp tại mục 2.
Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên thứ ba phải xác minh tuổi của trẻ em trước khi xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em.
- Ngừng xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em, xóa không thể khôi phục hoặc hủy dữ liệu cá nhân của trẻ em trong trường hợp:
+ Xử lý dữ liệu không đúng mục đích hoặc đã hoàn thành mục đích xử lý dữ liệu cá nhân được chủ thể dữ liệu đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
+ Cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em rút lại sự đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
+ Theo yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền khi có đủ căn cứ chứng minh việc xử lý dữ liệu cá nhân gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. (Điều 20 Nghị định 13/2023/NĐ-CP)
 


Phạm Sơn

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.