THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

Sơ kết tình hình, kết quả 03 năm triển khai thực hiện Đề án “Phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối an ninh, trật tự của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” giai đoạn 2021 - 2025

Ngày tạo:  17/10/2023 09:54:51
Tình hình quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua luôn ổn định, không phát sinh tranh chấp lao động phức tạp. Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn triển khai về chính sách pháp luật lao động được triển khai thường xuyên, liên tục, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động. Công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động được triển khai thực hiện theo kế hoạch hằng năm góp phần đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động và doanh nghiệp. Các nội dung được doanh nghiệp quan tâm thực hiện như: Công tác đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, đăng ký nội quy lao động, chế độ, chính sách tiền lương…

Đánh giá những tình hình, hoạt động của doanh nghiệp

Tính tới nay tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 390.500 người, trong đó số lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước khoảng 13.800 người, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 194.200 người, doanh nghiệp ngoài quốc doanh khoảng 182.500 người. Thu nhập của người lao động khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 6,4 triệu đồng; khối doanh nghiệp dân doanh khoảng 5,5 triệu đồng; khối doanh nghiệp có vốn nhà nước khoảng 6,6 triệu đồng.

Hiện nay tình hình việc làm trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Không còn tình trạng doanh nghiệp giảm giờ làm, cho người lao động nghỉ luân phiên như cuối năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp hiện đang tổ chức làm thêm giờ, tuyển dụng lao động trong đó có doanh nghiệp ngành dệt may, da giày. 

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh, tính đến tháng 6/2023 tổng số đoàn viên Công đoàn trên địa bàn tỉnh là 338.814 người (trong đó khối sản xuất kinh doanh 239.570 người); tổng số Công đoàn cơ sở là 3.667 đơn vị (trong đó có 789 Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp).

Phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện tuân thủ pháp luật lao động. Tuy nhiên, còn tồn tại tình trạng vi phạm pháp luật về lao động trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, chủ yếu là vi phạm về thời gian làm việc, nghỉ ngơi; chưa xây dựng thang bảng lương, định mức lao động, chưa xây dựng tiêu chuẩn nâng bậc lương; vi phạm các quy trình, quy định về an toàn vệ sinh lao động, để xảy ra một số vụ tai nạn lao động; còn tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động ảnh hưởng đến quyền lợi, chế độ cho người lao động, từ đó gây bức xúc dẫn đến nguy cơ ngừng việc, đòi quyền lợi của người lao động.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Số vụ tranh chấp lao động, đình công trong giai đoạn 2021-2023 xảy ra 5 vụ. năm 2022 xảy ra 03 vụ (Công ty tnhh Ivory Hậu lộc, công ty TNHH công nghệ thể thao Victory, Công ty TNHH DG Win); Năm 2023 xảy ra 02 vụ (Công ty TNHH TCE jeans, Công ty TNHH South Asia Garments Limited). Nguyên nhân xảy ra đình công do một số chủ sử dụng lao động chưa thực hiện tốt pháp luật lao động và người lao động thiếu hiểu biết về pháp luật, bị lôi kéo kích động tham gia ngừng việc tập thể. Nhìn chung các vụ đình công có tính chất phức tạp không cao, quy mô không lớn, thời gian xảy ra ngừng việc không kéo dài.Tất cả các cuộc đình công đã xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua đều tự phát, không được Công đoàn cơ sở hoặc cấp trên cơ sở lãnh đạo.

Trên cơ sở nhiệm vụ, nội dung được giao tại Đề án Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng nhiệm vụ, dự toán chi tiết hằng năm lồng ghép với công tác quản lý nhà nước về quan hệ lao động trên địa bàn để triển khai thực hiện, cụ thể: 

- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, triển khai kịp thời chính sách pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành; kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể cho người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp. 

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động, trong đó tập trung vào những nội dung vi phạm thường xảy ra tranh chấp, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; thường xuyên theo dõi và kịp thời giải quyết các vướng mắc, mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động.

- Tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn Hội đồng trọng tài, bổ nhiệm Hòa giải viên lao động. Tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 100% lực lượng Hòa giải viên lao động, Trọng tài viên lao động; cán bộ quản lý nhà nước về quan hệ lao động, quản lý tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp.

- Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức Hội nghị đối thoại pháp luật với doanh nghiệp, người lao động, các cơ quan quản lý nhà nước về lao động nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật lao động. 

- Hướng dẫn đôn đốc các doanh nghiệp tổ chức thực hiện có hiệu quả pháp luật lao động. Nâng cao năng lực hoạt động của Thanh tra chuyên ngành lao động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về quan hệ lao động, thông tin thị trường lao động để phục vụ tốt cho công tác quản lý Nhà nước về quan hệ lao động và hỗ trợ các bên trong quá trình đối thoại, thương lượng tập thể.

- Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết tranh chấp lao động và đình công trên địa bàn tỉnh.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa

KẾT QUẢ CÔNG TÁC 

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động tham mưu trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động, tiền lương và quan hệ lao động. Cụ thể: Kế hoạch Hành động thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư (Khóa XII) về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới; Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW và Quyết định số 416/QĐ-TTg; Đề án phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025; Quyết định thành lập Hội đồng trọng tài tỉnh; Quyết định bổ nhiệm trọng tài viên lao động tỉnh Thanh Hóa; Quyết định bổ nhiệm hòa giải viên lao động vv... 

Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, UBND các huyện, thị xã, thành phố, VCCI tại Thanh Hóa, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và các cơ quan đơn vị liên quan tích cực triển khai công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động trên địa bàn tỉnh. Thông qua các hoạt động tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật lao động của người sử dụng lao động và người lao động. Góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, giảm bớt các vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể trên địa bàn tỉnh.

Kết quả, từ năm 2021 đến nay, các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động nói chung và các quy định về tiền lương, quan hệ lao động nói riêng cho khoảng 22.750 người và hơn 470 doanh nghiệp mỗi năm, với nhiều nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng như phát hành tờ rơi, tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo chuyện đề, đối thoại với doanh nghiệp, người lao động, đăng các tin bài trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Thanh Hóa, Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa đã ký chương trình phối hợp hoạt động; cung cấp, trao đổi thông tin và tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. 

Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã ký kết Chương trình phối hợp công tác nhằm phát huy tính chủ động, vai trò, trách nhiệm của mỗi bên trong việc đảm bảo thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức Công đoàn.

Ngoài ra, định kỳ 02 tháng một lần, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức hội nghị giao ban với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của công đoàn cơ sở, người sử dụng lao động, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, UBND tỉnh, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, VCCI tại Thanh Hóa. Qua đó nắm bắt kịp thời tình hình đời sống, việc làm, tiền lương, việc thực hiện chế độ, chính sách, đảm bảo an ninh, trật tự tại các Khu công nghiệp, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, quan hệ lao động.

Các cơ quan đã phối hợp giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công, hỗ trợ, hướng dẫn các biến tiến hành thương lượng, đối toại trực tiếp để các vụ việc sớm được giải quyết nhanh chóng, giữ được mối quan hệ hài hòa, ổn định tại doanh nghiệp. 

Đến nay, 100% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn cơ sở thường xuyên tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật; 100% các huyện, thị xã, thành phố có lực lượng Hòa giải viên lao động và cán bộ chuyên trách theo dõi công tác lao động, việc làm dạy nghề; 100% Hòa giải viên lao động được tập huấn chuyên sâu về pháp luật lao động, kỹ năng hòa giải và kỹ năng giải quyết tranh chấp lao động; mở rộng mạng lưới đào tạo nghề và tác phong lao động công nghiệp cho người lao động để người lao động làm việc có kỷ luật, có kỹ thuật, năng suất, chất lượng và hiệu quả; hạn chế tối đa sự đào thải dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0; giải quyết ổn định 100% các vụ đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT của người lao động xảy ra trên địa bàn.


Đỗ Nhất
Nguồn tin: Văn phòng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.