THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

Tìm hiểu một số nội dung của Luật Giao dịch điện tử năm 2023

Ngày tạo:  25/11/2023 17:56:08
Giao dịch điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử. Để điều chỉnh việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử. Ngày 22 tháng 6 năm 2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV thông qua Luật Giao dịch điện tử . Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, thay thế cho Luật Giao dịch điện tử năm 2005 (trừ một số trường hợp quy định chuyển tiếp).

       Luật Giao dịch điện tử năm 2023 gồm có 8 chương với 53 điều, trong đó kế thừa có sửa đổi, bổ sung 33 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Giao dịch điện tử năm 2005, cụ thể:

      1. Chương I. Những quy định chung

     Chương này gồm 06 điều, mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động Giao dịch điện tử  tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội. Luật Giao dịch điện tử sẽ quy định theo hướng không loại trừ phạm vi áp dụng của hoạt động Giao dịch điện tử, tạo khung pháp luật thống nhất về hoạt động Giao dịch điện tử  trong các lĩnh vực để thực hiện chuyển đổi các giao dịch từ môi trường thực sang môi trường số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Chương I quy định về những vấn đề chung, có những nội dung như: Điều 1. Phạm vi điều chỉnh; Điều 2. Đối tượng áp dụng; Điều 3. Giải thích từ ngữ; Điều 4. Chính sách phát triển giao dịch điện tử; Điều 5. Bảo đảm an toàn thông tin mạng và an ninh mạng trong giao dịch điện tử; Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử

      2. Chương II. Thông điệp dữ liệu

     Chương này gồm 15 điều quy định về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, gửi nhận thông điệp dữ liệu và chứng thư điện tử. Theo đó, các quy định tập trung sửa đổi, chi tiết hoá cách thức xác định giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu. Bổ sung quy định điều kiện khi chuyển đổi từ bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại. Bổ sung quy định về chứng thư điện tử nhằm tháo gỡ vướng mắc về kết quả giao dịch để có thể đưa một giao dịch lên trực tuyến toàn trình (end-to-end).

Với những sửa đổi trên, Luật Giao dịch điện tử  sẽ giải quyết những vướng mắc trong quy định hiện hành về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm triển khai Giao dịch điện tử  an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý trên không gian mạng.

      Chương II, gồm các điều cụ thể như: Điều 7. Hình thức thể hiện của thông điệp dữ liệu; Điều 8. Giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; Điều 9. Thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản; Điều 10. Thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc; Điều 11. Thông điệp dữ liệu có giá trị dùng làm chứng cứ; Điều 12. Chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu; Điều 13. Hình thức lưu trữ thông điệp dữ liệu; Điều 14. Người khởi tạo thông điệp dữ liệu; Điều 15. Thời điểm, địa điểm gửi thông điệp dữ liệu; Điều 16. Nhận thông điệp dữ liệu; Điều 17. Thời điểm, địa điểm nhận thông điệp dữ liệu; Điều 18. Gửi, nhận tự động thông điệp dữ liệu; Điều 19. Giá trị pháp lý của chứng thư điện tử; Điều 20. Chuyển giao chứng thư điện tử; Điều 21. Yêu cầu đối với lưu trữ, xử lý chứng thư điện tử

       3. Chương III. Chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy

       Chương này gồm 12 điều quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy trong Giao dịch điện tử . 

      Về chữ ký điện tử, Luật Giao dịch điện tử  cơ bản không thay đổi về nguyên tắc so với Luật Giao dịch điện tử năm 2005, chỉ khái quát hóa, sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về chữ ký điện tử, chữ ký điện tử chuyên dùng, chữ ký số, chữ ký số chuyên dùng công vụ và chữ ký số công cộng. Luật Giao dịch điện tử  cũng góp phần giải quyết những vướng mắc trong quy định hiện hành về giá trị pháp lý của các loại hình chữ ký điện tử, tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm triển khai Giao dịch điện tử  an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý trên không gian mạng.

       Về dịch vụ tin cậy, Luật Giao dịch điện tử  quy định về dịch vụ tin cậy, trong đó ngoài dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử (dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng) và dịch vụ cấp dấu thời gian đã có và được triển khai trên thực tế, Luật bổ sung thêm dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu.

       Chương III, gồm các điều luật cụ thể như: Điều 22. Chữ ký điện tử; Điều 23. Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử; Điều 24. Dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ; Điều 25. Sử dụng chữ ký điện tử chuyên dùng, chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn; Điều 26. Công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài; công nhận chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài; Điều 27. Chữ ký điện tử nước ngoài, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài được chấp nhận trong giao dịch quốc tế; Điều 28. Dịch vụ tin cậy; Điều 29. Điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy; Điều 30. Trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy; Điều 31. Dịch vụ cấp dấu thời gian; Điều 32. Dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu; Điều 33. Dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.

       4. Chương IV. Giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử

      Chương này gồm 06 điều quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, việc nhận, gửi, thời điểm, địa điểm nhận, gửi thông điệp dữ liệu trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử. Luật GDĐT bổ sung thêm quy định về hợp đồng được ký kết thông qua hệ thống thông 

      Chương IV gồm các điều luật cụ thể như: Điều 34. Hợp đồng điện tử; Điều 35. Giao kết hợp đồng điện tử; Điều 36. Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; Điều 37. Việc nhận, gửi, thời điểm, địa điểm nhận, gửi thông điệp dữ liệu trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; Điều 38. Giá trị pháp lý của thông báo trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử.
      5. Chương V. Giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước

     Chương này gồm 05 điều quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước. Luật Giao dịch điện tử bổ sung các quy định về quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu, dữ liệu mở, các quy định đối với cơ quan nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động Giao dịch điện tử , hướng đến việc chuyển toàn bộ hoạt động lên môi trường số, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Các nội dung của Chương này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ Giao dịch điện tử  của các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân, tháo gỡ các vướng mắc về các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trên môi trường mạng với giải pháp khả thi để thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước.

      Chương V gồm các điều cụ thể như: Điều 39. Các loại hình giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước; Điều 40. Quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung; Điều 41. Tạo lập, thu thập dữ liệu; Điều 42. Kết nối, chia sẻ dữ liệu; Điều 43. Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước; Điều 44. Hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử; 

     6. Chương VI. Hệ thống thông tin phục vụ GDĐT

     Chương này gồm 04 điều quy định về các loại hệ thống thông tin (HTTT) phục vụ giao dịch điện tử, tài khoản giao dịch điện tử, trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin phục vụ Giao dịch điện tử , trách nhiệm giám sát của cơ quan nhà nước và biện pháp bảo vệ giao dịch điện tử.

Các quy định tại Chương này là cơ sở để tăng cường quản lý nhà nước trong GDĐT, thực hiện việc giám sát đối với các nhà cung cấp nền tảng số phục vụ Giao dịch điện tử  để bảo đảm quyền lợi người sử dụng, bảo đảm hoạt động Giao dịch điện tử  diễn ra an toàn, tin cậy.

     Chương VI, gồm các điều luật cụ thể như: Điều 45. Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; Điều 46. Tài khoản giao dịch điện tử; Điều 47. Trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; Điều 48. Báo cáo, tổng hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử

      7. Chương VII. Quản lý nhà nước về Giao dịch điện tử

      Chương này gồm 02 điều quy định về nội dung quản lý nhà nước và trách nhiệm quản lý nhà nước về Giao dịch điện tử . Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về Giao dịch điện tử . Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện quản lý nhà nước về Giao dịch điện tử . Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về Giao dịch điện tử  trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về Giao dịch điện tử  trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chữ ký số theo quy định của pháp luật.

      Chương VII gồm các điều luật cụ thể như: Điều 49. Nội dung quản lý nhà nước về giao dịch điện tử; Điều 50. Trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử

     8. Chương VIII. Điều khoản thi hành

     Chương này gồm 03 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành để đảm bảo việc thực thi Luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đã và đang tham gia hoạt động Giao dịch điện tử  trước thời điểm Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực.

      Chương VIII, gồm các điều luật cụ thể như: Điều 51. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số điều của các luật có liên quan; Điều 52. Hiệu lực thi hành; Điều 53. Quy định chuyển tiếp.

       Nhìn chung, việc ban hành Luật Giao dịch điện tử sẽ tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia; khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Giao dịch điện tử  năm 2005; Khẳng định giá trị pháp lý cho Giao dịch điện tử , công nhận Giao dịch điện tử  có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực; Ưu tiên, khuyến khích thực hiện Giao dịch điện tử  bằng các chính sách giúp thực hiện Giao dịch điện tử với thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, được bảo đảm an toàn, tin cậy hơn.


Vân Dương

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.