THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

Một số giải pháp triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước về Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Đông Sơn

Ngày tạo:  29/11/2023 16:12:57
Công tác hòa giải ở cơ sở có vai trò, ý nghĩa của công tác này trong việc góp phần hạn chế các tranh chấp dân sự, phòng ngừa tội phạm, giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết cộng đồng, góp phần ổn định trật tự xã hội ở địa bàn dân cư.

     Nhận thức rõ vị trí, vai trò và ý nghĩa to lớn của công tác hòa giải ở cơ sở nên UBND huyện Đông Sơn luôn quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Hiện nay huyện có 94 tổ hoà giải với 589 hòa giải viên, trong đó có 297 hòa giải viên. Từ khi thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 đến nay, các tổ hoà giải đã tiếp nhận được 620 vụ việc, chủ yếu là các tranh chấp về đất đai, tài sản gắn liền trên đất, dân sự, hôn nhân gia đình. Đã hoà giải thành 530 vụ (chiếm tỷ lệ 85%). Qua gần 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản pháp luật liên quan, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai, kịp thời. Công tác hòa giải ở cơ sở không ngừng được củng cố về tổ chức, đội ngũ, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. 

 

 

Hình ảnh về hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 2023

 

          Bên cạnh những mặt tích cực thì công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần được khắc phục như: Một số cấp ủy đảng và chính quyền chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác hòa giải ở sơ sở đối với đời sống xã hội nên thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí, nguồn lực, chưa phát huy hết trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở.  Mô hình, cơ cấu tổ chức Tổ hòa giải phụ thuộc vào cơ cấu tổ chức của thôn, tổ dân phố nên sau mỗi lẫn bầu lại thôn, tổ dân phố hoặc các hội đoàn thể có liên quan thì thành viên tổ hòa giải cũng thay đổi làm ảnh hưởng không nhỏ đến kỹ năng hòa giải. Trình độ hiểu biết pháp luật của đội ngũ hòa giải viên cơ sở chưa đồng đều nên ảnh hưởng đến chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở. Cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với Mặt trận và các Tổ chức thành viên của mặt trận trong công tác hòa giải cơ sở chưa được thực hiện thường xuyên,

         Để triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

          Tăng cường vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhằm tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. 

           Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức và phát huy vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp, mọi tầng lớp Nhân dân tích cực ủng hộ và tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở. 

           Rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên, đội ngũ công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. 

            Đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng, tập huấn, biên soạn và cung cấp tài liệu thiết thực cho các hòa giải viên.

           Tăng cường kiểm tra, nắm tình hình, đánh giá kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở gắn với việc tổ chức sơ kết, tổng kết về hoạt động hoà giải ở cơ sở và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm.

           Nâng mức chi hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở, nâng mức chi thù lao cho hòa giải viên phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, theo hệ số mức lương cơ sở để đảm bảo tính linh hoạt khi mức lương cơ sở thay đổi thì mức chi hỗ trợ cho công tác hòa giải cũng sẽ được điều chỉnh theo. 

          Tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Tư pháp với Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên.

          Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, chắc chắn trong thời gian tới, công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện sẽ tạo điều kiện cho tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở được kiện toàn và phát triển, từ đó góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện./.

                                                                            


Phòng Tư pháp - UBND huyện Đông Sơn

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.