Nghị định số 08/2020/NĐ-CP được Quốc hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 08 tháng 01 năm 2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24 tháng 02 năm 2020. Ngày 28 tháng 8 năm 2020, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 05/2020/TT-BTP về việc Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, UBND tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời triển khai và chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND cấp huyện triển khai thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, đồng thời, yêu cầu các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai thực hiện sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị bằng nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị.
Sau 03 năm triển khai thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, đã đạt được những kết quả tích cực. 04 văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động ổn định, tuân thủ quy định của pháp luật, góp phần vào mục tiêu xã hội hoá hoạt đồng này theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp. Chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động thừa phát lại đã bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật; đặc biệt là UBND tỉnh đã xây dựng, phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại, làm cơ sở cho phát triển các văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về Thừa phát lại đã được Sở Tư pháp hết sức quan tâm bằng nhiều hình thức đa dạng, nội dung tuyên truyền chuyên sâu, đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân về mục đích, ý nghĩa về chức năng, nhiệm vụ của Thừa phát lại, tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các ngành, các cấp về triển khai hoạt động Thừa phát lại ở địa phương.
Hoạt động của Thừa phát lại đã đạt được nhiều kết quả nhất định, góp phần tích cực vào hoạt động giải quyết, xét xử của Tòa án trong điều kiện biên chế của đơn vị thiếu, số vụ việc thụ lý tăng; số lượng văn bản phải tống đạt nhiều. Vì vậy hoạt động của Thừa phát lại đã góp phần vào công tác giải quyết, xét xử các loại án của Tòa án; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ dân sự, trong quan hệ với cơ quan, tổ chức nhà nước và trong hoạt động tố tụng; tạo dựng môi trường pháp lý lành mạnh, an toàn cho các giao dịch dân sự, kinh tế, giảm tải công việc của Tòa án theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh những những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Nghị định 08/2020/NĐ-CP cũng phát sinh những khó khăn bật cập. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, hiện nay số lượng Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa nhiều chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực tống đạt các văn bản, giấy tờ cho Tòa án và lập vi bằng khi đương sự có yêu cầu;
Thứ hai, việc chuyển giao giấy tờ, hồ sơ, tài liệu cho Thừa phát lại tống đạt trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá còn chưa đồng bộ, chuyển giao rất ít. Số lượng văn bản tống đạt được chuyển giao còn hạn chế, thấp hơn so với số vụ việc thụ lý hàng năm của Tòa án, các văn phòng thừa phát lại mới chỉ dừng ở việc tống đạt các văn bản cho Tòa án nhân dân cấp huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Việc chuyển giao giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Cơ quan thi hành án dân sự cho văn phòng thừa phát đã dừng từ năm 2019;
Thứ ba, chi phí tống đạt chưa phù hợp;
Thứ tư, công tác tuyên truyền đến người dân về chế định thừa phát lại để dân hiểu còn hạn chế;
Thứ năm, văn bản tống đạt của Toà án nhân dân ở các huyện miền núi chưa nhiều, còn hạn chế.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế nêu trên là do: Kinh phí cấp cho Tòa án để chi trả cho Thừa phát lại còn ít, chưa đáp ứng với yêu cầu hoạt động của Tòa án; Trong năm có nhiều tháng hết kinh phí chi trả cho thừa phát lại nên việc tống đạt văn bản tố tụng không được thực hiện, dẫn đến việc thực hiện thanh toán chi phí tống đạt với các Văn phòng thừa phát lại và dẫn đến hoạt động tống đạt bị gián đoạn của Văn phòng thừa phát lại; Vẫn còn một số cơ quan, tổ chức chưa thực sự quan tâm đến chế định thừa phát lại; một bộ phận người dân chưa thật sự hiểu và biết vê Thừa phát lại; Các văn phòng thừa phát lại còn chưa chủ động tích cực tuyên truyền cho hoạt động của mình. Bên cạnh đó, thể chế chưa đầy đủ nên chưa tạo điều kiện để các văn phòng thừa phát lại phát triển; chưa có đầy đủ kinh phí cấp cho cơ quan Thi hành án dân sự, Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dấn để khuyến khích hoạt động của các văn phòng thừa phát lại; Số lượng văn phòng thừa phát lại ít, chỉ tập trung ở các đô thị vì vậy chưa đáp ứng yêu cầu của các cơ quan Thi hành án dân sự, Toà án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân ở các huyện khác, đặc biệt là miền núi.
Để hoạt động Thừa phát lại đạt hiệu quả và tiếp tục phát triển trong thời gian tới, cần phải có những giải pháp với mục tiêu hoàn thiện các quy định của pháp luật, tăng mức chi phí tống đạt cho Thừa phát lại để tăng cường chuyển giao văn bản, giấy tờ, hồ sơ từ các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát, Thi hành án cho Văn phòng Thừa phát lại thực hiện tống đạt trong tương lai, giảm bớt áp lực công việc, chia sẻ trách nhiệm, công việc của các cơ quan tư pháp và đảm bảo chức năng, vai trò của Thừa phát lại theo quy định, góp phần đảm bảo cho nhu cầu của tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Hoàng Anh |
File đính kèm |