THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

Một số điểm mới về tín dụng đầu tư của Nhà nước theo Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 07/11/2023 của Chính phủ

Ngày tạo:  04/01/2024 10:04:38
Ngày 07/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 22/12/2023, nhiều điều khoản quan trọng đã được Chính phủ điều chỉnh

Thứ nhất: Về Kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước

Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 78/2023/NĐ-CP thì trước ngày 31 tháng 7 hằng năm, Ngân hàng Phát triển Việt Nam xây dựng kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước năm sau gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính với các nội dung: Tình hình triển khai và kết quả thực hiện kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước năm thực hiện, dự kiến kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước năm sau; Khả năng huy động vốn và cân đối nguồn vốn để thực hiện kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước; kế hoạch cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý, vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam để thực hiện kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước năm sau; Giải pháp điều hành, tổ chức thực hiện và dự kiến kết quả đạt được.

Thứ hai: Sửa đổi quy định về điều kiện vay vốn 

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi, mở rộng cơ hội vay vốn cho các chủ đầu tư dự án thuộc Danh mục vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, Chính phủ đã sửa đổi một số điều kiện cho vay như sau:

- Khách hàng có dự án đầu tư xin vay vốn được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định, đánh giá là dự án hiệu quả; có khả năng tài chính để trả nợ tại thời điểm Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định cho vay.

- Vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động), mức cụ thể do Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định phù hợp với khả năng tài chính của chủ đầu tư và phương án trả nợ của dự án.

- Khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định cho vay.

- Bỏ điều kiện mua bảo hiểm tài sản tại một doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với tài sản bảo đảm tiền vay. Theo đó, khi vay vốn tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam khách hàng không cần phải mua bảo hiểm khoản vay.

- Bỏ điều kiện khách hàng thực hiện chế độ hạch toán kế toán, báo cáo tài chính và kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm theo quy định của pháp luật. Theo đó, khách hàng không hạch toán, báo cáo tài chính và kiểm toán hàng năm vẫn được xem xét vay tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Thứ ba: Về giới hạn cho vay

Theo quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP thì từ ngày 22/12/2023, tổng dư nợ cấp tín dụng sẽ được xác định lại dựa trên vốn tự có và số dư trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh có kỳ hạn còn lại từ 05 năm trở lên không vượt quá 15% đối với một khách hàng, không được vượt quá 25% đối với một khách hàng và người có liên quan.

Thứ tư: Bổ sung các quy định mới về cấp tín dụng vượt giới hạn

Nghị định số 78/2023/NĐ-CP đã quy định các điều kiện của khách hàng vay vốn, dự án được Ngân hàng Phát triển Việt Nam đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, cụ thể:

- Khách hàng đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định về điều kiện cho vay của Nghị định này, Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn; không có nợ xấu trong 03 năm gần nhất liền trước năm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn; có hệ số nợ phải trả không quá ba lần vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán của khách hàng tại thời điểm gần nhất với thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn;

- Khách hàng có nhu cầu vốn để thực hiện các dự án có ý nghĩa kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quan trọng, cấp thiết nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân, thuộc các ngành, lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ hoặc để thực hiện các chương trình, dự án được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, Nghị định quy định các điều kiện trong trường hợp Ngân hàng Phát triển Việt Nam đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn và quy định cụ thể về hồ sơ đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, trình tự, thủ tục xem xét cấp tín dụng vượt giới hạn.

Thứ năm: Về thời hạn cho vay tín dụng

Nghị định số 78/2023/NĐ-CP đã bỏ giới hạn về thời hạn cho vay tối đa; Ngân hàng Phát triển Việt Nam căn cứ vào kết quả thẩm định dự án, đặc điểm sản xuất, kinh doanh, khả năng thu hồi vốn của từng dự án và khả năng trả nợ của khách hàng để quyết định thời hạn cho vay đối với từng dự án.

Thứ sáu: Về lãi suất cho vay

Nghị định quy định mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định, đảm bảo nguyên tắc đủ bù đắp chi phí huy động vốn, chi hoạt động bộ máy và chi phí trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ vay được ký hợp đồng tín dụng kể từ ngày 22 tháng 12 năm 2023, nhưng không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước theeo số liệu được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp trước 25/01 hằng năm. Trường hợp trong năm có biến động lớn về lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trong nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam báo cáo Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước tại thời điểm đề nghị để quyết định điều chỉnh mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Thứ bảy: Về bảo đảm tiền vay

Khách hàng khi vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để đầu tư dự án phải thực hiện các biện pháp bảo đảm tiền vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và pháp luật khác có liên quan. Đối với từng dự án, Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, thỏa thuận với khách hàng để quyết định và chịu trách nhiệm về các biện pháp bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Thứ tám: Quy định cụ thể về việc trích lập dự phòng rủi ro

Theo đó, tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 78/2023/NĐ-CP đã quy định bổ sung Điều 15a về trích lập dự phòng rủi ro vào sau Điều 15 Nghị định số 32/2017/NĐ-CP, cụ thể:

- Đối với các hợp đồng vay vốn tín dụng ký kết kể từ ngày 22 tháng 12 năm 2023, Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện trích lập dự phòng rủi ro theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng thương mại, được tính vào chi phí hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và được sử dụng để xử lý rủi ro đối với các khoản nợ vay theo các hợp đồng này.

- Đối với các hợp đồng vay vốn tín dụng đã ký trước ngày 22 tháng 12 năm 2023, Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo quy định của Nghị định số 46/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ về chế độ quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Thứ chín: Về thời gian gia hạn nợ

Tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 32/2017/NĐ-CP quy định tổng thời gian gia hạn nợ đối với dự án vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định không vượt quá 1/3 thời hạn cho vay tối đa.

Tuy nhiên, tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 78/2023/NĐ-CP quy định Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng và kết quả đánh giá của Ngân hàng Phát triển Việt Nam về khả năng trả nợ của khách hàng.

Ngoài ra, tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP cũng đã sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định về việc xử lý rủi ro tín dụng; trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,…v.v

Với những thay đổi về phương pháp xác định lãi suất cho vay, điều kiện tín dụng liên quan (thời hạn cho vay, bảo đảm tiền vay, giới hạn tín dụng,…) cũng như quy định mới về thẩm quyền của Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong việc quyết định cho vay, xử lý rủi ro, cơ cấu lại thời hạn trả nợ,… theo quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP thì việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước được kỳ vọng sẽ trở nên thuận tiện hơn đối với các khách hàng có dự án đầu tư thuộc danh mục được Chính phủ quy định.


Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.