THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

Quy định mới về tiêu chuẩn đối với từng chức danh công chức lãnh đạo, quản lý của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Ngày tạo:  14/03/2024 10:29:39
Ngày 6/3/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước. Theo đó, quy định về tiêu chuẩn đối với từng chức danh công chức lãnh đạo, quản lý của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như sau:

        1. Đối với Giám đốc Sở và tương đương

        - Giám đốc Sở và tương đương là người đứng đầu cấp sở, lãnh đạo, quản lý và tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và thực hiện các nhiệm vụ khác được cấp có thẩm quyền giao; chịu trách nhiệm trực tiếp trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực trước Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và trước pháp luật về chức trách, nhiệm vụ được giao.

   

   - Đáp ứng các tiêu chuẩn chung tương ứng quy định tại Mục 1 Chương II Nghị định này và các quy định sau: Am hiểu sâu sắc về quản lý nhà nước, hiểu biết pháp luật về ngành, lĩnh vực quản lý và các quy định đặc thù áp dụng tại địa phương; Có năng lực: Tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật của trung ương; tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về ngành, lĩnh vực áp dụng tại địa phương; chỉ đạo xây dựng kế hoạch công tác nhiệm kỳ và hằng năm của ngành, lĩnh vực tại địa phương; chỉ đạo hoặc trực tiếp giải quyết những vấn đề khó, phức tạp thuộc ngành, lĩnh vực tại địa phương; triển khai thực hiện cải cách hành chính, chế độ công vụ, công chức trên địa bàn; chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật; chỉ đạo giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân thuộc thẩm quyền; tham mưu lãnh đạo thực hiện công tác phối hợp với các cơ quan ở trung ương; chỉ đạo thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật trong phạm vi toàn tỉnh; Đang giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở và tương đương hoặc chức vụ, chức danh tương đương theo quy định của cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ.

         2. Phó Giám đốc Sở và tương đương

        - Phó Giám đốc Sở và tương đương là cấp phó của Giám đốc Sở, giúp Giám đốc Sở quản lý, tổ chức thực hiện một hoặc một số lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về chức trách, nhiệm vụ được giao.

        -  Đáp ứng các tiêu chuẩn chung tương ứng quy định tại Mục 1 Chương II Nghị định này và các quy định sau: 

Am hiểu sâu sắc về quản lý nhà nước, hiểu biết pháp luật về ngành, lĩnh vực quản lý và các quy định đặc thù áp dụng tại địa phương; 

       Có năng lực: Tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật của trung ương; tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về ngành, lĩnh vực áp dụng tại địa phương; chỉ đạo xây dựng kế hoạch công tác nhiệm kỳ và hằng năm của ngành, lĩnh vực tại địa phương; chỉ đạo hoặc trực tiếp giải quyết những vấn đề khó, phức tạp thuộc ngành, lĩnh vực tại địa phương; chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật; chỉ đạo giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân thuộc thẩm quyền; tham mưu lãnh đạo thực hiện công tác phối hợp với các cơ quan ở trung ương; chỉ đạo thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật trong phạm vi toàn tỉnh;

       Đang giữ chức vụ Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở hoặc chức vụ, chức danh tương đương theo quy định của cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ. Trường hợp không giữ chức vụ thì phải có thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực từ đủ 07 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc).

        3. Đối với trưởng phòng và tương đương thuộc Sở

       - Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở là người đứng đầu Phòng, thực hiện nhiệm vụ tham mưu tổng hợp, tham mưu quản lý nhà nước về ngành, chuyên ngành hoặc nhiệm vụ bảo đảm phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của sở theo phân công của Giám đốc Sở. Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về chức trách, nhiệm vụ được giao.

        - Đáp ứng các tiêu chuẩn chung tương ứng quy định tại Mục 1 Chương II Nghị định này và các quy định sau:

          Hiểu biết pháp luật về ngành, lĩnh vực quản lý;

        Nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức thực hiện chính sách và pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực hoặc nhiệm vụ được giao; tham mưu thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật; tổng hợp, đề xuất giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân thuộc thẩm quyền;

        Đang giữ chức vụ Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở hoặc chức vụ, chức danh tương đương theo quy định của cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ. Trường hợp không giữ chức vụ thì phải có thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực từ đủ 05 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc).

        4. Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở

      - Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở là cấp phó của Trưởng phòng, giúp Trưởng phòng thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể do Trưởng phòng giao. Phó Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng và trước pháp luật về chức trách, nhiệm vụ được giao.

       - Đáp ứng các tiêu chuẩn chung tương ứng quy định tại Mục 1 Chương II Nghị định này và các quy định sau:

        Hiểu biết pháp luật về ngành, lĩnh vực quản lý;

        Nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ; triển khai thực hiện chính sách và pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực hoặc nhiệm vụ được giao; tham mưu thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật; tổng hợp, đề xuất giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân thuộc thẩm quyền;

        Đang giữ chức vụ Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Sở hoặc hoặc chức vụ, chức danh tương đương theo quy định của cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ. Trường hợp không giữ chức vụ thì phải có thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc).

        5. Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Sở

       - Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Sở là người đứng đầu Phòng, thực hiện nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về ngành, chuyên ngành hoặc nhiệm vụ bảo đảm phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chi cục và tương đương thuộc Sở. Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng và trước pháp luật về chức trách, nhiệm vụ được giao.

       - Đáp ứng các tiêu chuẩn chung tương ứng quy định tại Mục 1 Chương II Nghị định này và các quy định sau: Nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức thực hiện chính sách và pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực hoặc nhiệm vụ được giao; tham mưu thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật; tổng hợp, đề xuất giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân thuộc thẩm quyền; Đang giữ chức vụ Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Sở hoặc chức vụ, chức danh tương đương theo quy định của cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ. Trường hợp không giữ chức vụ thì phải có thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực từ đủ 04 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc).

          6. Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Sở

       - Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Sở là cấp phó của Trưởng phòng, giúp Trưởng phòng thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể do Trưởng phòng giao. Phó Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng và trước pháp luật về chức trách, nhiệm vụ được giao.

        - Đáp ứng các tiêu chuẩn chung tương ứng quy định tại Mục 1 Chương II Nghị định này và các quy định sau: Nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ; triển khai thực hiện chính sách và pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực hoặc nhiệm vụ được giao; tham mưu thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật; tổng hợp, đề xuất giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân thuộc thẩm quyền; Có thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực từ đủ 02 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc)./.

        Nghị định 29/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/5/2024.


Việt Huy
Nguồn tin: Chinhphu.vn

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.