THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

Bộ Tư pháp quán triệt, phổ biến Luật Đất đai năm 2024

Ngày tạo:  22/03/2024 20:18:53
Ngày 22/3, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt, triển khai Luật Đất đai năm 2024 với hình thức trực tiếp và trực tuyến tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố. Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị.

 

          Cùng dự có các Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Nguyễn Khánh Ngọc, Đặng Hoàng Oanh, Trần Tiến Dũng và Mai Lương Khôi; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế; Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật.

           Tại điểm cầu tỉnh Thanh Hoá các đồng chí: Lê Hữu Viên, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội dồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, Hoàng Văn Truyền- Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự tỉnh đồng chủ trì hội nghị; tham dự hội nghị còn có cán bộ công chức, viên chức Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự tỉnh.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hoá

          

       Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng khẳng định: Luật Đất đai ở Việt Nam qua các thời kỳ, đặc biệt là. Luật Đất đai năm 2024 là đạo luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành tư pháp như: lĩnh vực thi hành án dân sự, bán đấu giá tài sản, trợ giúp pháp lý…

         Đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cũng nhấn mạnh: Luật Đất đai năm 2024 đã được Quốc hội khóa XV thông qua vào ngày 18//1/2024 tại kỳ họp bất thường lần thứ 5. So với Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm mới quan trọng, đã thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất. Những quy định mới của Luật Đất đai năm 2024 nhằm giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất; đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh; qua đó để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất. Luật  Đất đai năm 2014 gồm 16 chương, 260 điều, tăng thêm 02 chương so với Luật Đất đai năm 2013. Nhiều nội dung mới mang tính chất đột phá quan trọng, góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hoá

         Tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, Phó trưởng Ban soạn thảo Luật Đất đai đã giới thiệu những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 và một số lưu ý cho Ngành Tư pháp. Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, quan điểm của Luật Đất đai 2024 nhằm thể chế hoá đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị Quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các Nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai. Đồng thời, đảm bảo kế thừa, ổn định, phát triển của hệ thống pháp luật đất đai; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp với thực tiễn; Đảm bảo đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về đất đai với các pháp luật có liên quan; hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực cả về diện tích, chất lượng, không gian sử dụng.

          Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị- xã hội các cấp và Nhân dân. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ kinh tế thúc đẩy sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, bền vững.

         Ngoài ra, nhằm hiện đại hoá, chuyển đổi số công tác quản lý đất đai trên hệ thống thông tin, dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, phục vụ đa mục tiêu kết nối từ Trung ương đến địa phương, quản lý biến động đến từng thửa đất.

         Cũng theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, Luật Đất đai năm 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng, góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Nhiều điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành tư pháp như: công chứng, chứng thực liên quan đến thực hiện quyền của người sử dụng đất; các quy định liên quan đến thi hành án; xây dựng, thẩm định các văn bản quy phạm hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 tại cấp Trung ương và địa phương.

         

Hình ảnh tại các điểm cầu (ảnh chụp màn hình)

        Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ban, ngành, địa phương tập trung trao đổi những vấn đề liên quan đến giải pháp triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn tại các địa phương. Cụ thể, đại diện Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang đề nghị cần xác định lộ trình cụ thể để bảo đảm Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết thi hành được thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành. Đại diện Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng bổ sung thêm, Luật Đất đai năm 2024 có 18 nội dung giao thẩm quyền UBND cấp tỉnh phải quy định chi tiết và 1 nội dung thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành. Vì vậy, đối với chính quyền địa phương cũng phải chủ động thực hiện rà soát các quy định, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Trong công tác tổ chức thi hành pháp luật, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các điểm mới, đáng chú ý và tác động cũng như các điểm cần được làm rõ; thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật đất đai, kiến thức quản lý nhà nước về đất đai cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai các cấp. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chú trọng thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng đất đai phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay và giúp công tác quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, khả thi hơn…

Tại điểm cầu tỉnh Thanh Hoá, đại diện Sở Tư pháp Thanh Hoá tham luận tại Hội nghị

 

         Phát biểu tại điểm cầu Thanh Hoá, bà Ngô Thị Hiền- Trưởng phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Sở Tư pháp Thanh Hoá đã đặt câu hỏi liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất theo tiến độ và xử lý đối với việc chậm đưa đất vào sử dụng góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn trong các vấn đề liên quan đến Luật Đất đai. Cũng tại các điểm cầu các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tham mưu của bộ, ngành Tư pháp để đảm bảo hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm hiểu đúng và áp dụng đúng, hợp lý quy định của Luật Đất đai năm 2024, cũng như xử lý tốt các vấn đề liên quan trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành Tư pháp, như: Thi hành án dân sự, hoạt động công chứng, đấu giá, đăng ký giao dịch bảo đảm, trợ giúp pháp lý..., góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

           Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, Luật Đất đai năm 2024 là đạo luật rất quan trọng, quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh. Tuy nhiên, Luật này khá phức tạp, có tác động sâu rộng đến nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành Tư pháp. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp trực tiếp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục phổ biến, quán triệt, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bằng các hình thức phù hợp.

         Để Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, chủ lực là Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế; Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự địa phương tham gia tích cực, chủ động hoàn thiện và xây dựng các văn bản quy định chi tiết và tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý khi có khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, các đơn vị có liên quan trực tiếp đến áp dụng quy định Luật Đất đai cần chuẩn bị sẵn sàng điều kiện cần thiết để có thể vận dụng ngay khi Luật này có hiệu lực. Bộ trưởng Lê Thành Long cũng yêu càu, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế chủ trì, phối hợp các chuyên gia và Nhà Xuất bản Tư pháp nghiên cứu xuất bản tài liệu để cán bộ, công chức trong toàn ngành Tư pháp nghiên cứu, sử dụng tại các lớp tập huấn…

 

 


Phương Linh
Nguồn tin: Bộ tư pháp

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.