THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

Tìm hiểu về nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

Ngày tạo:  22/04/2024 15:44:33
Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu

1.Nghĩa vụ cấp dưỡng

Điều 107 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:

Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định.

Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.

-Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định.

a.Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con

Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.

b. vụ cấp dưỡng của con đối với cha, mẹ

Con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

c.Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh, chị, em

Trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để cấp dưỡng cho con thì anh, chị đã thành niên không sống chung với em có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; em đã thành niên không sống chung với anh, chị có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh, chị không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

d. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu

- Ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người cấp dưỡng theo quy định tại Điều 112 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

- Cháu đã thành niên không sống chung với ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ cấp dưỡng cho ông bà nội, ông bà ngoại trong trường hợp ông bà không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật này.

e. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột

- Cô, dì, chú, cậu, bác ruột không sống chung với cháu ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

- Cháu đã thành niên không sống chung với cô, dì, chú, cậu, bác ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cô, dì, chú, cậu, bác ruột trong trường hợp người cần được cấp dưỡng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

f. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn

Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình.

Trong trường hợp một người có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhiều người:

Người cấp dưỡng và những người được cấp dưỡng thỏa thuận với nhau về phương thức và mức cấp dưỡng phù hợp với thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của những người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết (Điều 108 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

Trong trường hợp nhiều người cùng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho một người hoặc cho nhiều người:

những người này thỏa thuận với nhau về phương thức và mức đóng góp phù hợp với thu nhập, khả năng thực tế của mỗi người và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết (Điều 109 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

Trong các vụ án hình sự mà có người bị hại chết thì bị cáo còn có trách nhiệm bồi thường khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 519 Bộ luật dân sự năm 2015.

2. Mức cấp dưỡng, phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

a Mức cấp dưỡng

Mức cấp dưỡng là một khoản tiền, lương thực hoặc tài sản khác mà bên phải cấp dưỡng đóng góp cho bên được cấp dưỡng để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của bên được cấp dưỡng.

Xác định mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người được cấp dưỡng thoả thuận, nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết. Khi xác định mức cấp dưỡng cần căn cứ vào các yếu tố sau:

- Thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng (tức là căn cứ vào mức thu nhập thường xuyên hoặc tài sản họ còn sau khi đã trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho cuộc sống của họ).

- Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng (tức là mức sinh hoạt trung bình của người được cấp dưỡng theo mức sống trung bình của người dân tại địa phương nơi người được cấp dưỡng cư trú, bao gồm các chi phí cần thiết về ăn ở, mặc, học hành, khám chữa bệnh và các chi phí cần thiết khác nhằm bảo đảm cuộc sống của người được cấp dưỡng).

Mức cấp dưỡng có thể thay đổi khi có lý do chính đáng như: Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng tăng lên; khả năng kinh tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng giảm đi; giá sinh hoạt tại địa phương nơi người được cấp dưỡng biến động... Thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thoả thuận, nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

b Phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

Theo pháp luật hiện hành thì có hai phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng:

- Cấp dưỡng định kỳ: Là cấp dưỡng theo hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm;

- Cấp dưỡng một lần: Là cấp dưỡng chỉ thực hiện một lần.

Tuỳ từng trường hợp cụ thể mà bên có nghĩa vụ cấp dưỡng và bên được cấp dưỡng thoả thuận để lựa chọn phương thức nào đó cho phù hợp với điều kiện thực tế của bên phải cấp dưỡng và đảm bảo được quyền và lợi ích của bên được cấp dưỡng. Việc thoả thuận phương thức cấp dưỡng phải được thực hiện bằng văn bản. Trong trường hợp các bên không tự thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường họp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tể mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

3. Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

Điều 119 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:Trong trường hợp người phải cấp dưỡng không tự nguyện thực hiện, thực hiện không đúng nghĩa vụ hoặc người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thì những người sau đây có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ:

- Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó,

- Người thân thích;

- Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

- Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

- Hội Liên hiệp phụ nữ.

Ngoài ra, cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức trên yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó


Đức Minh
Nguồn tin: Tổng Hợp

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.