Những phong tục, tập quán cổ hũ, lạc hậu đã dần không còn mà thay vào đó là những nếp sống mới. Điển hình như việc cưới của đồng bào Mông. Trước đây, hôn lễ của đồng bào dân tộc Mông thường rềnh rang, sau đám cưới, những cặp vợ chồng bắt đầu cuộc sống mới với những khoản nợ còng lưng. Từ khi nếp sống mới gõ cửa, cuộc sống sau hôn nhân của đồng bào Mông ở Mường Lát đang dần đổi khác.
Cô dâu, chú rể đồng bào dân tộc Mông ở bản Pù Toong xã Pù Nhi trong bộ lễ phục đám cưới truyền thống
Chẳng ai biết từ bao giờ, những đám cưới của người Mông đã được sắp đặt nhưmột điệp khúc buồn. Theo quan niệm “con trâu không lấy con bò”, người Mông phải lấy người Mông, không ít chàng trai cô gái còn tuổi ăn tuổi lớn đã phải nên vợ nên chồng, vướng víu vào hôn nhân cận huyết, nương theo bao hệ lụy buồn thương. Mà câu chuyện về những căn bệnh do đột biến di truyền gây ra đã tàn phá bao mái ấm nơi vùng cao Mường Lát.
Ông Lầu Minh Pó, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát kể lại câu chuyện ấy trong những tiếng thở dài. Ông bảo, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết là bề nổi, đã nhiều người biết, nhưng việc cưới của đồng bào Mông ở Mường Lát trước đây còn lắm rườm rà, gây lãng phí, tốn kém, thậm chí có không ít chuyện dở khóc dở cười. Như chuyện tổ chức đám cưới qua đêm, ăn uống linh đình, chú rể phải bái lạy để cảm ơn khi nhận được những món quà từ nhà gái, từ những người đến mừng đám cưới…
Chuyện về những rườm rà trong việc cưới ở đồng bào Mông theo lời kể của ông Lầu Minh Pó còn là những mâm cỗ linh đình mời họ hàng suốt đêm ngày. Thanh niên túm tụm uống rượu, rồi cãi vã, xô xát xảy ra, anh em họ hàng phải can thiệp. Có những vụ gây rối trật tự do đám cưới, nghiêm trọng đến mức công an phải vào cuộc. Cuộc sống nơi rừng xanh, cả gia đình đầu tắt mặt tối bao năm tiết kiệm được con trâu, con bò làm vốn rồi cũng “ra đi” vì đám cưới. Và tiếp theo câu chuyện ấy lại quy về chữ “nghèo”. Nhiều cặp trai gái người Mông cưới nhau xong, hạnh phúc chưa thấy, đã có trong tay một khoản nợ...
Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội huyện Mường Lát đã vào cuộc mạnh mẽ bằng những cuộc vận động, tuyên truyền đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Mỗi địa phương một cách làm. Trong đó, đều đề cao, nêu gương vai trò của cán bộ, đảng viên, người có uy tín và trưởng các dòng họ.
Từ ngày làm Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát, ông Lầu Minh Pó đã dành nhiều thời gian về cơ sở chỉ đạo trực tiếp công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện nếp sống văn minh. Từ năm 2020 đến nay cũng vậy, dù đã nghỉ hưu, là người có uy tín, lại am hiểu về văn hóa đồng bào Mông, ông đã tích cực tham gia cùng với chi bộ, ban quản lý các bản đến từng nhà để nói cho bà con hiểu. Ông cắt nghĩa từng tục, từng lễ trong đám cưới, khuyên lễ nào nên giữ, tục nào nên bỏ để phù hợp với nếp sống mới. Trong đó, câu chuyện về cưới đêm, chú rể phải quỳ bái lạy để cảm ơn từng người tặng quà cưới là điều nên bỏ... Với ông, điều quan trọng nhất của đám cưới là vợ chồng phải được hạnh phúc, không phải gánh nỗi lo trả nợ.
Ông Lầu Minh Pó kể lại: “Thanh niên rất hào hứng và muốn đổi thay, nhưng không dám vượt qua rào cản vì còn phải nghe người cao tuổi. Sau đó, chúng tôi đã vận động trưởng các dòng họ cùng vào cuộc tuyên truyền, động viên. Đến nay, hôn lễ của người Mông được tổ chức gọn gàng hơn, thời gian rút ngắn còn một buổi hoặc chỉ tổ chức trong ngày, nhất là không tổ chức vào ban đêm nữa. Chú rể cũng chỉ lạy cảm ơn tượng trưng một vài cái”.
Ông Lầu Minh Pó, người có uy tín bản Pù Toong xã Pù Nhi tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện theo nếp sống mới
Những năm trước tình trạng thách cưới diễn ra khá phổ biến. Nhà thách nhiều, nhà thách ít, nhưng thường phải có 30 nén bạc trắng, trâu bò, lợn gà... gây không ít khó khăn cho nhà trai, nhất là những hộ hoàn cảnh khó khăn. Nhằm chấm dứt tình trạng thách cưới tốn kém đã từng diễn ra, trưởng các dòng họ người Mông ở xã Pù Nhi, Nhi Sơn đã cùng bàn bạc, thống nhất quà cưới nhà trai mang đến nhà gái. Theo đó, trong đám cưới, nhà trai chỉ mang đến nhà gái 1,7 triệu đồng, 1 con lợn chừng 50kg và 10 lít rượu làm quà. Việc cụ thể hóa quà cưới và áp dụng chung đã góp phần tiết kiệm cho các gia đình đồng bào người dân tộc Mông.
Những đám cưới văn minh, tiết kiệm ấy đã mang lại hạnh phúc thực sự cho những cặp vợ chồng người Mông trong hành trình cuộc sống sau hôn nhân. Đã không còn tình trạng người Mông chỉ lấy người Mông, nhiều đôi trai gái yêu nhau đã vượt qua định kiến để kết hôn với nhau, dù là khác nhau về dân tộc. Giờ đây, sau mỗi đám cưới là nụ cười tươi của họ dưới mái nhà gỗ khang trang, luôn đầy ắp tiếng cười con trẻ…
Bài, ảnh: Hồ Thủy |
File đính kèm |