THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

HỘI NÔNG DÂN HUYỆN ĐÔNG SƠN ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ, GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI.

Ngày tạo:  29/01/2024 17:45:45
Hòa cùng xu thế hiện nay, các cấp Hội Nông dân huyện Đông Sơn đã vào cuộc cùng với các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số; tích cực ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số trong công tác, giúp hoạt động Hội ngày càng hiệu quả. Đồng thời, tuyên truyền, vận động hội viên tiếp cận công nghệ số trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

          Với vai trò của mình, các cấp hội nông dân trong huyện đã tích cực lồng ghép nội dụng chuyển đổi số vào phong trào, công tác hội. Nhất là về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh, huyện về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, từ đó thúc đẩy việc áp dụng công nghệ số trong các lĩnh vực hoạt động. Thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền đến hội viên, nông dân. Trang thông tin điện tử của Hội hoạt động hiệu quả, cập nhật các thông tin hoạt động của Hội các cấp giúp hội viên, nông dân nắm được hoạt động và các chỉ đạo của Hội cấp trên. Đồng thời, Hội phối hợp cài đặt mã định danh; phối hợp với các Ngân hàng tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho hội viên thực hiện việc mua bán, thanh tóan tiền gốc và tiền lãi các ngân hàng thông qua tài khỏan, không sử dụng tiền mặt.

          Xác định chuyển đổi số trong sản xuất góp phần tạo sản phẩm đạt chất lượng, Hội Nông dân huyện tập trung tuyên truyền, hỗ trợ hội viên, nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Để hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận với kiến thức và nâng cao năng lực thực hành, sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số, Hội Nông dân huỵện đã phối hợp với các phòng, ban, ngành, đơn vị tổ chức tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất không chỉ ở những mô hình có quy mô lớn và ngay từ các vườn mẫu của hộ gia đình;  đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu nông sản và đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, các sàn giao dịch điện tử khác và hướng dẫn bán hàng trên các trang mạng xã hội . Bên cạnh đó, Hội xây dựng mô hình “Cánh đồng sản xuất lúa không bước chân” nhằm hướng dẫn hội viên thực hiện cơ giới hóa trong đồng bộ trong sản xuất lúa.

                                         Tổ công tác của xã Đông Nam đang hướng dẫn hội viên Hội Nông dân xã

                                                              truy cập vào cơ sở dữ liệu về sản xuất

          Việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất, không chỉ mang lại hiệu quả cao còn giúp sản xuất nông sản theo hướng an toàn. Điển hình tại xã Đông Tiến, Hội Nông dân huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, nổi bật và đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất phải kể đến mô hình sản xuất nông sản hữu cơ của Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36, tại thôn Triệu Tiền xã Đông Tiến, chuyên về lĩnh vực trồng trọt nông nghiệp công nghệ cao. Đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích canh tác nông nghiệp của Công ty là 4,4ha với các loại nông sản, trái cây, rau màu. Trong đó có 1,4ha nhà màng (bao gồm 2000m2 trồng lan hồ điệp). Hay mô hình Nông trại hữu cơ Hương Quê farm ở thôn Triệu Tiền, xã Đông Tiến, cũng áp dụng khoa học vào sản xuất, với diện tích trên 7 ha, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại như: hệ thống tưới nhỏ giọt, xây dựng nhà màng công nghệ cao và nhà lưới chống côn trùng, hệ thống tưới tự động. Đồng thời, thực hiện phương pháp canh tác mới, trồng rau, củ, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh trồng các loại rau truyền thống, nông trại đã đưa vào trồng nhiều loại cây mới, giá trị kinh tế cao như: măng tây, bí xanh, dưa kim hoàng hậu, dưa lê...  Hệ thống nhà màng có ưu điểm vượt trội, giúp che mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, sử dụng phân hữu cơ tạo ra sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

         Hiện, trên địa bàn huyện có 14 sản phẩm OCOP của hội viên nông dân đạt 03 sao trở lên, những sản phẩm OCOP đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử, từ đó tạo được niềm tin người tiêu dùng bằng những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đến nay, đã có trên 120 sản phẩm đưa lên sàn mua bán. Người nông dân có thể thông qua máy tính, điện thoại thông minh để truy cập vào cơ sở dữ liệu về sản xuất, nắm bắt thông tin thị trường, giá cả nguyên liệu và trao đổi kinh nghiệm để phục vụ cho hoạt động sản xuất. Ngoài ra, thông qua ứng dụng các tiện ích của mạng xã hội như Facebook, Zalo, người dân đã chủ động xây dựng các trang bán hàng, giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ nông sản của hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác, đưa sản phẩm nông nghiệp trở thành sản phẩm hàng hóa trao đổi rộng khắp trên không gian mạng.



File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.