Đang học lớp 12 chương trình THPT hệ giáo dục thường xuyên, vừa học trung cấp nghề tại trường Trung cấp nghề miền núi Thanh Hóa, Vi Xuân N tình cờ lướt mạng xã hội và nhìn thấy thông tin tuyển dụng, bị đối tượng có nick facebook “Xôi Gà” dụ dỗ làm công việc tư vấn bán hàng qua điện thoại tại với mức lương khá cao. Tin tưởng, N đã làm theo hướng dẫn của đối tượng vượt biên sang Campuchia với mong muốn tìm một công việc telesale nhẹ nhàng với mức lương cao. Thế nhưng, sang đến nơi, công việc mà N phải thực hiện và những ảo cảnh về mức lương mà đối tượng vẽ ra cho N lại khác biệt hoàn toàn.
Vi Xuân N kể lại: “Khi sang bên đó, thật ra các em không phải làm bán hàng trên mạng hay gì hết, mà là lừa đảo, nhắn tin lừa người khác chuyển tiền cho mình, người mới sẽ được thử việc 10 ngày, sau đó sẽ vào làm chính thức. làm được mới đầu họ sẽ cho ăn hoa hồng, không làm được sẽ bị phạt, nếu làm chưa đủ thời gian 6 tháng mà muốn về sẽ phải bồi thường hợp đồng với số tiền rất lớn, nếu không có tiền bồi thường thì phải làm ở đó đến khi nào người nhà có tiền nộp vào mới thôi. Những trường hợp trốn ra mà bị bắt lại sẽ bị đánh rất thê thảm”.
Chị Vi Thị Q, mẹ cháu N vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi giải cứu con trai trở về thành công. Chị Q cho biết: Sau nhiều ngày không liên lạc được với con trai, chị đã nhờ nhà trường đến tận phòng trọ để kiểm tra nhưng không gặp, lo lắng chị hỏi thăm giáo viên và bạn bè của con nhưng cũng không thấy tung tích. Vài ngày sau chị sửng sốt khi nghe lời kêu cứu của con trai từ nước ngoài nhắn về. Chị Q nhanh chóng trình báo với công an địa phương, đồng thời loay hoay tìm đủ mọi cách để đưa con ra khỏi chốn cạm bẫy bên nước người. Sau nhiều ngày, với số tiền tiêu tốn khoảng hơn 160 triệu đồng, chị Q mới đưa được con trở về nhà an toàn.
Theo thống kê từ Công an huyện Lang Chánh, hiện nay có 19 công dân Lang Chánh đang cư trú và lao động trái phép ở nước ngoài, trong đó có 11 công dân lao động ở trung quốc, 03 công dân ở campuchia, 04 công dân ở Hàn quốc, 01 công dân ở Lào. Từ đầu năm 2023 đến nay toàn huyện có hơn 20 trường hợp công dân lao động trái phép ở các nước trở về địa phương. Việc xuất cảnh và lao động bất hợp pháp là hành vi vi phạm pháp luật, đáng lo ngại, người lao động còn phải chịu nhiều hệ lụy, thậm chí ảnh hưởng đến tâm lý, nguy hiểm đến sực khỏe, tính mạng. Kiếm nhiều tiền đâu chưa thấy, nhưng nhiều gia đình phải mất hàng trăm triệu đồng để tìm cách giải cứu.
Thượng tá Hà Thành Trung - Phó Trưởng Công an huyện Lang Chánh cho biết: “Để ngăn chặn tình trạng công dân xuất cảnh đi lao động trái phép ở nước ngoài, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, Công an huyện Lang Chánh đã triển khai nhiều giải pháp nghiệp vụ, tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân không nghe theo các đối tượng dụ dỗ trên mạng xã hội, không tham gia xuất cảnh, lao động trái phép ở nước ngoài, tuy nhiên vẫn không ít trường hợp sập bẫy lừa đảo gây nên những hậu quả đáng tiếc”
Đã có rất nhiều cảnh báo từ các cơ quan, lực lượng chức năng, thế nhưng vẫn có nhiều người do nhận thức, hoặc do không có việc làm và thu nhập ổn định nên vẫn cố tình vi phạm. Phần lớn lao động trái phép tại nước ngoài đều hoạt động chui, không đảm bảo an toàn lao động, không có hành lang pháp lý bảo vệ người lao động nên sẽ có rất nhiều rủi ro. Cơ quan công an khuyến cáo người lao động phải tỉnh táo trước những lời mời gọi công việc trên mạng xã hội và cần kiểm chứng thông tin một cách kỹ càng trước khi thực hiện bất cứ công việc gì./.
Lê Thiết - Trung tâm VHTT-TT&DL huyện Lang Chánh |
File đính kèm |