THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

HỘI NGHỊ TUYÊN TRUYỀN PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN CỨU HỘ

Ngày tạo:  11/03/2024 09:48:27
HỘI NGHỊ TUYÊN TRUYỀN PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN CỨU HỘ

Vừa qua, UBND xã Định Hưng, huyện Yên Định đã tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) cho các đối tượng là cán bộ chủ chốt của xã, trưởng các đoàn thể, Cán bộ Công chức, Giám đốc HTX, trạm trưởng trạm y tế, Hiệu trưởng các trường, thôn trưởng, bí thư chi bộ, thôn đội trưởng các thôn, cùng 102 chủ cơ sở nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn, các cơ sở thuộc diện UBND xã quản lý.

Phát biểu khai mạc Hội nghị đồng chí Lê Văn Cường, Phó bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh Công tác PCCC và CNCH là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài của cả hệ thống chính trị;  nhất là hiện nay, xã ta đang phát triển mạnh các khu nghề và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ; kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, nhu cầu sử dụng năng lượng (điện, xăng dầu, khí đốt) ngày càng nhiều, đồng thời gia tăng những nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ.

Đồng chí đề nghị các cơ quan, trường học, trạm y tế, HTX dịch vụ, các đơn vị thôn, lực lượng Công an xã cần phải tập trung thực hiện ngay một số công tác trọng tâm đó là: Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là: Luật phòng cháy và chữa cháy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và các văn bản hướng dẫn thi hành; Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy”; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tưởng Chính phủ; Kế hoach của UBND tỉnh về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới, làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình liên quan về cháy, nổ tại địa phương; tổ chức kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh, chủ cơ sở nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh và hướng dẫn công tác tự kiểm tra an toàn PCCC và CNCH tại khu dân cư bảo đảm số lần, số lượt theo quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; Thường xuyên tổ chức, đổi mới phương pháp tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp PCCC và CNCH bằng các hình thức phù hợp với thực tế tại địa phương; tăng cường hướng dẫn các kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn cho người dân khi có cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra. Tiếp tục tham mưu cho Ban chỉ đạo PCCC và CNCH của xã đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia PCCC, duy trì và xây dựng các mô hình đảm bảo an toàn PCCC.

Tại buổi tuyên truyền, Đồng chí Đinh Hồng Tú đội phó đội QLHC về TTXH công an huyện Yên Định đã phổ biến nhiều văn bản pháp luật có liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy đã ban hành trong tình hình mới hiện nay; Truyền đạt một số kiến thức cơ bản trong công tác phòng cháy chữa cháy như: Tầm quan trọng, nguyên tắc, tính chất của công tác phòng cháy, chữa cháy; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; những kiến thức cơ bản về công tác phòng cháy, chữa cháy; thông tin tình hình cháy, nổ trên cả nước trong thời gian gần đây. Hướng dẫn một số biện pháp phòng cháy chữa cháy tại chỗ; hướng dẫn sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ, những kỹ năng, cách xử lý tình huống khi xảy ra sự cố cháy nổ, kỹ năng thoát hiểm, biện pháp chữa cháy và kỹ thuật cá nhân trong công tác cứu nạn, cứu hộ cụ thể như: Tại nơi ở chủ hộ và các thành viên trong mỗi gia đình cần thực hiện:

          + Kiểm tra nơi để đồ dùng, hàng hóa và các vật liệu khác có khả năng cháy được, nơi để các loại hàng hóa và đồ dùng dễ cháy phải cách xa nơi đun nấu và các nguồn nhiệt khác.

          + Kiểm tra hệ thống điện, khắc phục các hỏng hóc có nguy cơ dẫn đến chạm chập, ngắt mạch điện. Các dây dẫn vỏ cách điện bị lão hóa, rạn nứt phải được thay thế; các mối nối trên dây dẫn điện phải được siết chặt; các thiết bị điện lắp đặt trong nhà phải đảm bảo an toàn.

          + Thường xuyên kiểm tra hệ thống bếp gas, dùng nước xà phòng để kiểm tra độ kín của bình, dây dẫn gas, thay mới các ống dẫn gas đã bị rạn nứt, hư hỏng. Khi phát hiện có rò rỉ gas, hoặc ngửi thấy mùi gas tuyệt đối không bật bộ phận đánh lửa của bếp, không bật công tắc điện, đèn hay bất cứ dụng cụ thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt nào; nhanh chóng mở cửa để gió tự nhiên vào cho thông thoáng khu vực nhà bếp, đồng thời kiểm tra vị trí bị rò rỉ. Nếu vị trí rò rỉ là trên đường ống dẫn gas chỉ cần khóa van tổng của bình gas là an toàn, nếu vị trí rò rỉ là ở cổ van hoặc thân bình dùng xà phòng cục hoặc quả chuối chét vào vị trí bị rò rỉ, sau đó dùng dây cao su buộc chặt và chuyển bình gas ra khu vực trống trải an toàn rồi xả hết khí gas trong bình. Sau khi xả hết gọi người của đại lý gas đến thu hồi vỏ bình, tuyệt đối không được tự ý sửa chữa vỏ bình.

          + Kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại nơi thờ cúng, khoảng cách từ ngọn hương đèn phải cách trần tối thiểu là 0,5m. Không để các đồ vật dễ cháy như hương, đèn, vàng mã sát nơi đốt hương, đèn; khi thắp hương, đèn, đốt vàng mã phải có người trông coi.

          + Thực hiện việc bảo quản, sắp xếp đồ dùng trong gia đình ngăn nắp, đúng quy định, không lấn chiếm lối thoát nạn. Không dự trữ xăng, dầu, cồn trong nhà khi không cần thiết. Trường hợp phải dự trữ thì phải bảo quản trong các dụng cụ kín, chắc chắn, để cách xa các nguồn nhiệt.

          + Dự kiến các tình huống thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, trang bị các dụng cụ trữ nước như xô thùng, vừa phục vụ sinh hoạt hàng ngày vừa phục vụ chữa cháy khi cần thiết, các gia đình nên trang bị thêm các bình chữa cháy xách tay để phục vụ chữa cháy.

- Đối với nơi làm việc, nơi sản xuất kinh doanh:

          + Trước khi tiến hành công việc phải thực hiện kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại nơi làm việc, nơi sản xuất kinh doanh do chính mình đảm nhiệm, nếu phát hiện có dấu hiệu mất an toàn về phòng cháy và chữa cháy phải tìm mọi cách để khắc phục.

           + Không đốt nhang, đèn để cúng và đun nấu trong khu vực sản xuất, văn phòng làm việc; không để vật tư, hàng hóa, phương tiện cản trở lối đi, lối thoát nạn.

          + Không tàng trữ các chất nguy hiểm cháy như xăng, dầu, gas tại nơi làm việc và trong khu vực kinh doanh. Những nơi quá trình sản xuất, kinh doanh liên quan đến các chất dễ cháy phải tuân thủ các quy định về sử dụng, bảo quản các chất dễ cháy đó.

+ Các hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải được bố trí cách xa đường dây dẫn điện, chấn lưu đèn neon, bảng điện khoảng cách tối thiểu là 0,5m. Không dùng bàn là, bếp điện, bóng đèn sợi đốt để sấy khô hàng hóa (trừ các thiết bị chuyên dùng); khi sử dụng quạt di động hoặc quạt cố định ở khu vực có nhiều vật tư, hàng hóa phải có lồng bảo hiểm.

          + Khi nghỉ làm việc phải tắt các nguồn điện, nguồn nhiệt đồng thời kiểm tra các yếu tố khác có thể phát sinh nguồn nhiệt tại khu vực do mình đảm nhiệm.

Khi phát hiện có cháy, nổ xảy ra dù là nơi ở, nơi sản xuất kinh doanh hay nơi làm việc phải hô hoán cho mọi người cùng biết, nhanh chóng sử dụng các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị để khống chế đám cháy, đồng thời phải báo ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy qua số điện thoại 114 để được hỗ trợ kịp thời.

Cuối buổi chiều các đại biểu đã được thực hiện diễn tập công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại khu sân vận động của xã. Qua hội nghị tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy, và cứu nạn cứu hộ, các đại biểu và nhân dân đã nắm được những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho bản thân, gia đình và xã hội. Đồng thời tuyên truyền rộng rãi hơn công tác phòng cháy, chữa cháy đến tất cả các gia đình trên phạm vi toàn xã./.

 


Phòng Tư pháp huyện Yên Định
Nguồn tin: Phòng Tư pháp huyện Yên Định

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.