Sau hơn 05 năm triển khai thực hiện, Luật Đấu giá tài sản đã đạt nhiều kết quả đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản, góp phần giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong việc xử lý tài sản. Đây là một hoạt động hết sức phổ biến nhằm định đoạt chủ sở hữu của tài sản bằng phương thức trả giá cho tài sản đó. Tài sản sẽ được xướng giá khởi điểm, sau đó người tham gia cuộc đấu giá dựa theo phương thức đấu giá để trả giá cho đến khi tìm ra người trả giá phù hợp nhất.
Tài sản đấu giá được quy định tại Điều 4 Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Theo đó, các tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá, bao gồm:
1. Tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá:
a) Tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
b) Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật;
c) Tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
d) Tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm;
đ) Tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;
e) Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
g) Tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia;
h) Tài sản cố định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
i) Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản;
k) Tài sản hạ tầng đường bộ và quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
l) Tài sản là quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản;
m) Tài sản là quyền sử dụng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;
n) Tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện;
o) Tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật;
p) Tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá.
2. Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
Như vậy, có 15 nhóm táì sản bán pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân có thể tự nguyện lựa chọn bán tài sản thuộc sở hữu thông qua đấu giá theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đầu giá tài sản năm 2016.Tài sản đấu giá phải là tài sản được phép giao dịch theo quy định của pháp luật. Theo đó tài sản được phép giao dịch là tài sản không bị cấm giao dịch theo quy định của pháp luật. Trường hợp tài sản đấu giá là tài sản bảo đảm nhằm thực hiện nghĩa vụ thì phải tuân thủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý tài sản bảo đảm.Việc quy định tài sản đấu giá góp phần tạo ra tính thống nhất, chặt chẽ trong hoạt động đấu giá, bảo đảm sự quản lý thống nhất, hiệu quả của Nhà nước; phân định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong các giai đoạn đấu giá, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đấu giá tài sản phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa.
Lâm Khuê – Phòng Bổ trợ Tư pháp |
Nguồn tin: Phổ biến giáo dục pháp luật |
File đính kèm |