Là một trong những phường trung tâm của thành phố Thanh Hóa, phường Nam Ngạn có 11 tổ dân phố và 14.459 nhân khẩu. Để hoàn thành chỉ tiêu chuyển đổi số, UBND phường Nam Ngạn đã tăng cường đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho cán bộ, công chức, viên chức, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người dân để thích ứng với thay đổi của chuyển đổi số. Khuyến khích doanh nghiệp, hộ kinh doanh đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế số bền vững trên nền tảng số, phục vụ cho phát triển thương mại điện tử; tích cực phối hợp, hỗ trợ đưa hộ sản xuất, sản phẩm lợi thế, sản phẩm xây dựng OCOP, quảng bá sản phẩm lên sàn thương mại điện tử uy tín (postmart, voso, nông sản an toàn thanh hóa,…).
100% lãnh đạo, cán bộ, công chức được kết nối, sử dụng hệ thống TD-Office phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng thời gian và kế hoạch. Hồ sơ TTHC được tiếp nhận xử lý, cập nhật, quản lý và giải quyết trên hệ thống thông tin một cửa điện tử, tỷ lệ hồ sơ đủ điều kiện giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 581 hồ sơ, đạt tỷ lệ 100%; mức độ 4 là 197 hồ sơ, đạt tỷ lệ: 98,98%.
Thực hiện tốt việc đăng tin, bài, văn bản, thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật, cập nhật công khai kết quả giải quyết TTHC, công khai xin lỗi trong giải quyết TTHC, các tin hoạt động, tin bài chuyển đổi số, cải cách hành chính… tại UBND phường trên trang thông tin điện tử của phường. Tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số tại 11 tổ dân phố trên địa bàn. Hướng dẫn cài đặt ứng dụng trong Chuyên mục Chuyển đổi số trên Trang thông tin điện tử phường Nam Ngạn luôn đảm bảo các thông tin theo quy định với các tin/bài hướng dẫn, phổ biến, cung cấp thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về chuyển đổi số, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm trong công tác chuyển đổi số.
Đánh giá mức độ đạt theo các chỉ tiêu, nội dung về kinh tế số năm 2022, UBND phường Nam Ngạn đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sản xuất và người dân về chuyển đổi số, phát triển kinh tế, mua bán, phân phối hàng hóa dựa trên môi trường mạng. Phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất áp dụng các giải pháp công nghệ như: hóa đơn điện tử, đưa một số sản phẩm lợi thế lên sàn thương mại điện tử postmart, nông sản an toàn thanh hóa,... ứng dụng các phần mềm để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh; tạo lập các trang facebook, zalo, website... để quảng bá, giới thiệu, cung cấp thông tin sản phẩm để mở rộng thị trường kinh doanh.
Đánh giá mức độ đạt theo các chỉ tiêu, nội dung về xã hội số, tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn xã được thông tin, phổ biến, đào tạo về các dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ số (y tế, giáo dục,…) 50%. Công tác đảm bảo an ninh thông tin và bảo mật an toàn dữ liệu đơn vị được quan tâm và chỉ đạo thường xuyên.
Về hạ tầng hạ tầng và nền tảng số, kỹ thuật công nghệ thông tin của UBND phường được kết nối vào đường truyền số liệu chuyên dùng, là hệ thống mạng dùng riêng, có tính an toàn, bảo mật cao, đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, phù hợp với mục tiêu và kế hoạch đề ra, cơ bản đáp ứng được nhu cầu cho việc tin học hoá hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ kịp thời người dân và doanh nghiệp. Trên địa bàn có 62 điểm lắp camera công cộng, nhiều hộ gia đình đã lắp đặt hệ thống “camera an ninh hộ gia đình”, đảm bảo đạt hiệu quả về an ninh.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn thách thức trong công tác này bởi chuyển đổi số là nhiệm vụ mới, nguồn lực cấp cơ sở còn thiếu; các sản phẩm công nghệ phục vụ chuyển đổi số mới nên nhân lực triển khai các nhiệm vụ này phải vừa học, vừa làm để dần được tiếp cận và triển khai thực hiện. Sự tham gia của doanh nghiệp, người dân trong thực hiện chuyển đổi số chưa được đồng đều, người dân ban đầu thực hiện còn lúng túng trong việc đăng ký và nộp hồ sơ TTHC. Nguồn nhân lực phục vụ cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn khá mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu, điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chuyển đổi số.
Trong thời gian tới, UBND phường Nam Ngạn tiếp tục khắc phục khó khăn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp thay đổi nhận thức, thói quen làm việc; nâng cao kiến thức, kỹ năng số cho cán bộ, công chức để tiếp cận và ứng dụng công nghệ số trong mô hình mới; Tăng cường công tác tuyên truyền đến tổ chức, cá nhân về phát triển kinh tế số trên nền tảng thương mại điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực chuyển đổi số, UBND phường Nam Ngạn quyết tâm thực hiện triệt để công tác chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu tất yếu, khách quan theo xu thế của thời đại, làm thay đổi cách vận hành công việc và cuộc sống của Nhân dân, tạo sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Thuỳ Dung |
Nguồn tin: Trung tâm VHTTTT&DL TP Thanh Hóa |
File đính kèm |