THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

06 Luật mới được thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội XV

Ngày tạo:  01/03/2023 16:31:47
Tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã thông qua 06 Luật gồm Luật Phòng, chống rửa tiền 2022; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022; Luật Thanh tra 2022; Luật Dầu khí 2022; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022; Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022.

06 Luật mới thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội XV

Tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã thông qua 06 Luật gồm Luật Phòng, chống rửa tiền 2022; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022; Luật Thanh tra 2022; Luật Dầu khí 2022; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022; Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022.

1. Luật Phòng, chống rửa tiền 2022

Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 được Quốc Hội thông qua ngày 15/11/2022, có hiệu lực từ ngày 01/3/2023 (trừ khoản 1 Điều 64 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022) . Luật gồm 4 chương, 66 điều (giảm 1 Chương và tăng 16 Điều so với Luật Phòng, chống rửa tiền 2012), quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền, có một số điểm mới như sau:

- Thứ nhất, Bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cụ thể: bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên cơ sở luật hóa quy định về đối tượng này tại Nghị định 116/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 87/2019/NĐ-CP). Luật đồng thời, sửa đổi, bổ sung tên gọi của một số hoạt động của đối tượng báo cáo (các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kinh doanh trò chơi có thưởng...) phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và nội hàm khái niệm theo khuyến nghị của tổ chức quốc tế.

- Thứ hai, Bổ sung nguyên tắc có đi có lại trong việc trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin trong trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

- Thứ ba, Bổ sung quy định về về việc đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền. Theo đó, định kỳ 5 năm, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, trình Chính phủ phê duyệt. Các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm thực hiện cập nhật rủi ro về rửa tiền dựa trên việc triển khai kế hoạch thực hiện sau đánh giá hoặc khi có các rủi ro phát sinh thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành gửi Ngân hàng Nhà nước tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, Chính phủ có trách nhiệm quy định chi tiết về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền.

Về trách nhiệm đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo, đối tượng báo cáo phải đánh giá rủi ro về rửa tiền; xây dựng quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền, trong đó có nội dung về việc phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro thấp, trung bình, cao và các biện pháp áp dụng tương ứng với các mức độ rủi ro về rửa tiền. 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo.

  • Thứ tư, Quy định cụ thể hơn về thông tin nhận biết khách hàng; bổ sung quy định đối tượng báo cáo có thể khai thác thông tin trong các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định pháp luật để đối chiếu, xác minh thông tin do khách hàng cung cấp; sửa đổi các quy định về nhận biết khách hàng thông qua bên thứ ba trên cơ sở hoạt động kinh doanh qua giới thiệu quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 và quy định xác minh thông tin nhận biết khách hàng thông qua việc thuê tổ chức khác.

Về cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị, bổ sung quy định về cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị của tổ chức quốc tế, quy định rõ hơn trách nhiệm của đối tượng báo cáo phải thực hiện các biện pháp thích hợp để xác minh nguồn gốc tài sản của khách hàng chủ sở hữu hưởng lợi và thực hiện giám sát mối quan hệ kinh doanh trong suốt quá trình giao dịch với khách hàng này.

Đối tượng báo cáo phải ban hành chính sách, quy định để nhận diện, đánh giá mức độ rủi ro về rửa tiền trước khi cung cấp sản phẩm, dịch vụ mới và sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ đổi mới và áp dụng các biện pháp để giảm thiểu rủi ro về rửa tiền.

 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 thay thế Luật Phòng, chống rửa tiền 2012.

2. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 được Quốc Hội thông qua ngày 14/11/2022, có hiệu lực từ ngày 01/7/2023, gồm: 6 chương, 56 điều, quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình. So với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 có một số điểm mới như sau:

- Thứ nhất, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình tại Điều 3, gồm:

+ Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

+ Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;

+  Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;

+  Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý.

+ Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

+ Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực.

+ Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi.

+ Cô lập, giam cầm thành viên gia đình.

Ngoài ra, hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục trước đây được Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022  quy định chi tiết hơn như sau: Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng.

- Thứ hai, quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng chống bạo lực gia đình, gồm:

+ Hành vi bạo lực gia đình quy định tại mục 1.

+ Kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng ép người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.

+ Sử dụng, truyền bá thông tin, tài liệu, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động bạo lực gia đình.

+ Trả thù, đe dọa trả thù người giúp đỡ người bị bạo lực gia đình, người phát hiện, báo tin, tố giác, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.

+ Cản trở việc phát hiện, báo tin, tố giác, ngăn chặn và xử lý hành vi bạo lực gia đình.

+ Lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để thực hiện hành vi trái pháp luật.

+ Dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình.

  • Thứ ba, Chồng/ vợ cưỡng ép quan hệ tính dục có thể phải lao động công ích

Tại điểm i khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 thì cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Theo đó, trong trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình là thực hiện phục vụ cộng đồng thì vợ hoặc chồng có hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục trái ý muốn phải chấp hành theo quy định.

Biện pháp thực hiện phục vụ cộng đồng theo Điều 33 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 như sau:

+ Công việc phục vụ cộng đồng là công việc có quy mô nhỏ trực tiếp phục vụ lợi ích của cộng đồng nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú, bao gồm: Tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực cộng đồng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc công trình công cộng khác; Tham gia công việc khắc nhằm cải thiện môi trường sống và cảnh quang của cộng đồng.

+Danh mục công việc tại khoản 1 Điều 33 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 do Chủ tịch UBND cấp xã công nhận trên cơ sở thảo luận, quyết định của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

+ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú quyết định và tổ chức cho người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 thay thế Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007.

3. Luật Thanh tra 2022

Luật Thanh tra được Quốc Hội thông qua ngày 14/11/2022, có hiệu lực từ ngày 01/7/2023, gồm có 8 chương và 118 điều, quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra. Theo Luật Thanh tra 2022, có 05 cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, bao gồm:

- Thứ nhất, Cơ quan thanh tra theo cấp hành chính bao gồm:

+ Thanh tra Chính phủ;

+ Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Thanh tra tỉnh);

+ Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Thanh tra huyện);

+ Cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định.

- Thứ hai, Cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực bao gồm:

+ Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Thanh tra Bộ);

+ Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và tương đương (sau đây gọi chung là Thanh tra Tổng cục, Cục);

+ Thanh tra sở.

- Thứ ba, Cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ.

- Thứ tư, Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan cơ yếu Chính phủ.

- Thứ năm, Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Điểm mới đáng chú ý là tổng cục, cục thuộc bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành. Điều 18 quy định, thanh tra tổng cục, cục là cơ quan của tổng cục, cục thuộc bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý Nhà nước mà tổng cục, cục được giao phụ trách; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Thanh tra tổng cục, cục được thành lập trong 3 trường hợp: theo quy định của luật; theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tại tổng cục, cục thuộc bộ có phạm vi đối tượng quản lý Nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ.

4. Luật Dầu khí 2022

Luật Dầu khí 2022, được Quốc Hội thông qua ngày 14/11/2022, có hiệu lực từ ngày 01/7/2023, gồm 11 chương, 69 điều, quy định về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí trong phạm vi đất liền, hải đảo và vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật có một số điểm đáng chú ý như:

- Bổ sung quy định về việc Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế điều hành hoạt động khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí.

- Quy định "cá nhân" được tham gia hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.

- Quy định trong trường hợp dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên, đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên, Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trước khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương thực hiện dự án.

5. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022, được Quốc Hội thông qua ngày 10/11/2022, có hiệu lực từ ngày 01/7/2023, gồm có 6 chương, 91 điều, quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật có một số nội dung cơ bản sau:

Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy mức độ.

Ban Thanh tra nhân dân thành lập ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước. Luật không quy định thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp tư nhân.

Về Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn: Luật quy định về việc công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn (những nội dung, hình thức và thời điểm, trách nhiệm công khai thông tin); Quy định về những nội dung, hình thức Nhân dân bàn và quyết định, Nhân dân tham gia ý kiến, Nhân dân kiểm tra, giá sát

Những nội dung người dân có quyền bàn và quyết định: Việc đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng trong địa bàn cấp xã, thôn, tổ dân phố; việc thu, chi, quản lý các khoản đóng góp; nội dung của hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư; bầu, cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố/ thành viên Ban thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và các công việc tự quản khác.

Về thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị: Luật quy định về công khai thông tin ở cơ quan, đơn vị. Những nội dung cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn và quyết định; tham gia ý kiến và kiểm tra, giám sát. 

Về thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động: Luật quy định rõ trách  nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp xã trong vi địa phương; Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia, hỗ trợ và làm nòng cốt để Nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở.

6. Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022

Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022 được Quốc Hội thông qua ngày 09/11/2022, có hiệu lực từ ngày 01/7/2023,  gồm 4 điều.

Về gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cấp đổi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, ngừng sử dụng tần số vô tuyến điện được sửa đổi theo hướng:

"Tổng thời hạn cấp lần đầu và các lần gia hạn giấy phép không vượt quá thời hạn tối đa quy định cho từng loại giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện tương ứng; trường hợp thời hạn cấp giấy phép lần đầu bằng thời hạn tối đa quy định cho loại giấy phép tương ứng thì không được gia hạn".


Đức Minh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.