THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

Quan tâm thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng

Ngày tạo:  30/05/2023 09:57:53
(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa là tỉnh có số lượng người có công với cách mạng lớn với 349.971 người, trong đó 4.632 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện có 84 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống), 55.932 liệt sĩ, 860 cán bộ lão thành cách mạng, 444 cán bộ tiền khởi nghĩa, 104 anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động; 43.571 thương binh, 15.959 bệnh binh, 14.935 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, 1.065 người có công giúp đỡ cách mạng, 1.636 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 210.833 người tham gia kháng chiến được tặng huân chương, huy chương...
Giao lưu văn nghệ giữa người có công với cán bộ, nhân viên Trung tâm Điều dưỡng người có công

Trên cơ sở Tư tưởng Hồ Chí Minh và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật Nhà nước về chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, suốt nhiều năm qua cả hệ thống chính trị của tỉnh luôn quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng.

Bằng trách nhiệm và tấm lòng tri ân sâu nặng, Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa đã tiếp nhận, phục hồi chức năng cho hàng nghìn lượt thương, bệnh binh tại các chiến trường trở về và người bị nhiễm chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thương binh 81% Nguyễn Quốc Tuynh, quê ở xã Thiệu Thịnh (Thiệu Hóa), chia sẻ: “Bản thân tôi bị khiếm thị 2 mắt, khuyết 1 tay, vào trung tâm cũng đã lâu. Ở đây, tất cả các thương, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam... đều được đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng viên tận tình chăm sóc như người thân của mình, giúp tôi có thêm nghị lực để sống vui, sống khỏe mỗi ngày”.

Còn đối với Trung tâm Điều dưỡng người có công Thanh Hóa, có nhiệm vụ điều dưỡng luân phiên tập trung cho người có công với cách mạng, căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ chính trị được giao, hàng năm đều tổ chức quán triệt các văn bản của cấp trên. Đồng thời, xây dựng các chương trình, kế hoạch, phát động các phong trào thi đua để thực hiện tốt nhiệm vụ đón người có công về điều dưỡng tập trung tại đơn vị. Các nội dung hoạt động, chương trình điều dưỡng không ngừng được đổi mới, đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần, giúp người có công về điều dưỡng sức khỏe được nâng lên, tư tưởng vui vẻ, thoải mái. Kết thúc đợt điều dưỡng, trung tâm luôn nhận được những phản hồi tích cực từ người có công.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện tốt các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân theo đúng quy định. Tham mưu triển khai thực hiện đổi mới chi trả trợ cấp hằng tháng cho người có công qua hệ thống bưu điện, đảm bảo an toàn, thuận lợi. Các hoạt động hỗ trợ đảm bảo đời sống người có công với cách mạng được tích cực thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có trên 99,8% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, 100% xã, phường, thị trấn được công nhận thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công. 100% các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời. Cùng với việc chăm sóc, tri ân những người còn sống, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; xây dựng, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, công trình tưởng niệm liệt sĩ cũng đã được chú trọng.

Theo bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), toàn tỉnh có trên 380.000 lượt người có công và thân nhân được nhận quà của Chủ tịch nước và của tỉnh, với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh chiếm 50%. Các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã huy động tối đa các nguồn lực xã hội, cùng với nguồn lực của Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của bản thân gia đình người có công để thực hiện mục tiêu nâng cao mức sống về vật chất, tinh thần của người có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư.

Bên cạnh đó, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” đã trở thành hoạt động thường xuyên, phát huy được sức mạnh của cộng đồng chăm lo gia đình người có công với nước. Đến nay, hầu hết người có công với cách mạng và thân nhân người có công đã được hưởng các ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện về nhà ở. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội.


Bài và ảnh: Mai Phương - Báo Thanh Hóa
Nguồn tin: https://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/quan-tam-thuc-hien-tot-chinh-sach-nguoi-co-cong-voi-cach-mang/186172.htm

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.