THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

Kết quả thực hiện kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 tỉnh Thanh Hóa 06 tháng đầu năm 2023

Ngày tạo:  19/07/2023 17:15:45
Hướng đến mục tiêu đảm bảo thực hiện các quyền trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, trí tuệ, tinh thần nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh nói riêng và của cả đất nước nói chung; tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện, góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em, các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, UBND các cấp đã tập trung triển khai các hoạt động, thực hiện các giải pháp để đảm bảo đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra

Công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức

Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia thực hiện công tác trẻ em, Ban Chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh đẩy mạnh tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về trẻ em. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền được tập trung triển khai thực hiện như sau:

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa xây dựng phóng sự về chủ đề, thông điệp của Tháng hành động vì trẻ em năm 2023; treo 80 băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2023; in và cấp phát 30.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; 4.500 cuốn tài liệu “Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng”; sản xuất, lắp đặt 06 pa-nô tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em tại 06 huyện, thị xã[1]; hỗ trợ 03 huyện[2] lắp đặt 60 biển cảnh báo, biển cấm ở các khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn. Phối hợp với các nhà mạng (Viễn thông Thanh Hóa, Mobifone Thanh Hóa, Viettel Thanh Hóa) gửi tin nhắn SMS tới 3.003.940 thuê bao sử dụng điện thoại di động trên phạm vi toàn tỉnh để truyền tải thông điệp của Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, nội dung: “Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em: Phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em là bảo đảm quyền được sống của trẻ em. Hãy cho trẻ em học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước để phòng tránh đuối nước” từ ngày 30/5 đến ngày 01/6/2023Thường xuyên thông tin, truyền thông rộng rãi về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) và Tổng đài điện thoại Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa (số 1800.1744) tại Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội để người dân liên hệ khi có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em và vi phạm quyền trẻ em.

- Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng công an các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến trẻ em; đa dạng, linh hoạt các hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, nhằm trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng nhận biết dấu hiệu hành vi phạm tội, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức cảnh giác của gia đình, nhà trường, tổ chức xã hội và nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em. Xây dựng các cụm pano, poster, áp phích, treo băng-rôn, khẩu hiệu, phát 121.175 tờ rơi về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi.

- Sở Giáo dục và Đào tạo: đẩy mạnh thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về trẻ em để vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia thực hiện công tác trẻ em, trong đó: tập trung vào công tác phòng, chống xâm hại và tai nạn, thương tích trẻ em để xây dựng môi trường học tập, vui chơi và sinh sống an toàn, lành mạnh cho trẻ, từng bước kiểm soát và giảm thiểu tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục và tử vong do tai nạn, thương tích; hưởng ứng thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2023.

- Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ Khai mạc hè, Ngày Olympic trẻ em và phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước gắn với Giải Bơi, Lặn toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023 tại bể bơi Trung tâm Hoạt động và Bồi dưỡng cán bộ thanh, thiếu nhi tỉnh Thanh Hóa nhằm tuyên truyền, vận động trẻ em tích cực tập luyện thể dục, thể thao, vui chơi giải trí nhằm nâng cao sức khoẻ, thể lực, tầm vóc, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, kỹ năng sống và kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Tổ chức chiến dịch truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3; Ngày gia đình Việt Nam 28/6 và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (Tháng 6), gồm: phát hành poster đến các cơ quan, đơn vị, địa phương về Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; treo băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền trực quan trên địa bàn thành phố Thanh Hoá; viết tin, bài, xây dựng chuyên trang, chuyên mục, phóng sự trên Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của các xã, phường, thị trấn nhằm truyền tải thông điệp về phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại trẻ em đến đông đảo người dân. Tổ chức Chương trình truyền thông thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023 (diễn ra 02 ngày 26-27/6/2023, tại Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn) nhằm tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam; vận động quần chúng Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa; kế thừa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, hướng tới xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

- Sở Thông tin và Truyền thông: định hướng và chỉ đạo các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung của công tác trẻ em; hệ thống thông tin cơ sở đã có nhiều tin, bài tuyên truyền về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới.

- Sở Tư pháp: phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kỹ năng, phổ biến, giáo dục pháp luật; pháp luật Hình sự, phòng chống HIV/AIDS, ma tuý, phòng chống mại dâm, phòng chống bạo lực gia đình; Luật Trẻ em; Luật Trợ giúp pháp lý v.v… cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên, học sinh các trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố[3]; phối hợp với Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa tăng thời lượng phát sóng, đăng tải các chương trình, chuyên trang, chuyên mục có nội dung tuyên truyền pháp luật, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến công tác thi hành pháp luật, công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến trẻ em.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư: đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các chính sách, pháp luật về công tác trẻ em của Trung ương, của tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức của công chức, người lao động trong cơ quan về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và thực hiện quyền trẻ em, chung tay bảo vệ trẻ em dưới mọi hình thức.

- Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh: tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, hội viên, gia đình, cộng đồng dân cư về trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em, quyền được bảo vệ, được sống an toàn, lành mạnh của trẻ em; những phương thức, thủ đoạn phạm tội và các vụ việc xảy ra để người dân và tự bản thân trẻ em nâng cao ý thức phòng ngừa. 

- Nhân Tháng hành động vì trẻ em và ngày Gia đình Việt Nam, để tiếp tục lan toả giá trị nhân văn sâu sắc của Chương trình Mẹ đỡ đầu hỗ trợ, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ mồ côi và giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức Chương trình giao lưu, gặp mặt “Hướng dương đón nắng” tại thành phố Sầm Sơn (từ ngày 21/6-23/6/2023). Thông qua Chương trình, các cặp Mẹ - Con được giao lưu, chia sẻ và trải nghiệm các hoạt động vui chơi tập thể, từ đó tăng cường kết nối giữa mẹ và con, khích lệ tinh thần vượt khó của các con, đồng thời ghi nhận, tri ân những đóng góp to lớn của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội trong việc tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em mồ côi được phát triển toàn diện trong môi trường bình yên, hạnh phúc của gia đình và cộng đồng. Chỉ đạo các cấp Hội tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc; ngày Gia đình Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”; Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”. Kết quả: các cấp Hội đã tổ chức hơn 300 lớp tập huấn, truyền thông về phòng chống đuối nước, phòng chống ma túy, phòng chống xâm hại tình dục, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường v.v… cho trên 15.000 lượt hội viên phụ nữ; cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và học sinh các trường Tiểu học, THCS tham gia. 

Năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đăng cai tổ chức chương trình Ngày hội “Học sinh 3 tốt” cấp Trung ương[4], phối hợp với Hội Đồng Đội Trung ương tổ chức thành công hoạt động cấp Trung ương Ngày hội Thiếu nhi Việt Nam học tập tốt, rèn luyện chăm tại Quảng trường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa với trên 1.500 em thiếu nhi tham gia; Ngày hội thiếu nhi “Vui khỏe, tiến bước lên đoàn” được diễn ra đồng loạt ở cơ sở, trong đó ngày hội cấp tỉnh được tổ chức tại trường Tiểu học Hà Lĩnh, huyện Hà Trung với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực[5]. Chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tổ chức 1.830 buổi tuyên truyền về Luật Trẻ em và kỹ năng phòng, chống xâm hại cho trẻ em, các nội dung xóa bỏ bạo lực, phong trào “Thiếu nhi Thanh Hóa thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”, chương trình thiếu nhi Việt Nam “Học tập tốt, rèn luyện chăm”, Ngày hội thiếu nhi “Vui khỏe, tiến bước lên đoàn”, mô hình “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”, trào lưu “Sân chơi đồng diễn Flashmob” do Hội Đồng đội Trung ương phát động được triển khai đồng loạt trong các trường học, tạo sân chơi bổ ích cho thanh thiếu nhi.

Công tác tập huấn nâng cao năng lực thực hiện công tác trẻ em

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức 06 lớp tập huấn nâng cao năng lực về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho 420 cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em, nội dung về: quản lý nhà nước về trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật và phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, tăng cường công tác thông tin, truyền thông về các nội dung liên quan đến trẻ em.

- Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Công an các cấp tổ chức 96 buổi tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi cho 5.434 lượt người. 

- Sở Tư pháp đã tổ chức 03 lớp tập huấn nghiệp vụ cho hơn 1.000 người (đối tượng là công chức tư pháp hộ tịch cấp xã, cấp huyện và chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh). Qua các hội nghị tập huấn, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác đăng ký khai sinh cho trẻ em, công tác nuôi con nuôi đã được tháo gỡ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức tư pháp hộ tịch được nâng lên, góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao cũng như năng lực thực hiện công tác trẻ em. 

- Thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức 01 lớp tập huấn trang bị, kiến thức, kỹ năng cho 200 chị chi hội trưởng ở các huyện, thị xã, thành phố nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”, đảm bảo sự hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi được liên tục, lâu dài và bền vững. Thông qua lớp tập huấn, các chị đã được cung cấp kiến thức về nguyên tắc, cách thức thực hiện chương trình, hành trình tìm mẹ đỡ đầu, các phương thức tuyên truyền, huy động nguồn lực, kêu gọi các cá nhân, đơn vị và cộng đồng chung tay góp sức hỗ trợ trẻ em mồ côi.

- Tỉnh đoàn đã tổ chức 350 hoạt động giáo dục kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước cho trẻ em tại trường học; tổ chức 32 lớp dạy bơi miễn phí cho thiếu nhi (mỗi lớp 30-50 em); tổ chức 02 khóa huấn luyện nghiệp vụ công tác Đội, “Trại hè kỹ năng” cho Ban Chỉ huy Liên đội các cấp năm 2023; tổ chức trại hè cho thanh thiếu nhi năm 2023. Phối hợp với Sư đoàn bộ binh 341 tổ chức 02 đợt “Học kỳ quân đội”, mỗi đợt 10 ngày (từ ngày 12/6 đến ngày 03/7), thu hút sự tham gia của gần 500 thiếu nhi.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Công tác huy động, vận động nguồn lực thực hiện công tác trẻ em

Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành, cơ quan, đơn vị triển khai huy động, vận động nguồn lực để hỗ trợ thực hiện công tác trẻ em; phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn dân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em; khuyến khích sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và cá nhân trong việc hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chú trọng đến nhóm trẻ em mồ côi do dịch bệnh COVID-19, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Kết quả cụ thể:

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tiếp tục kêu gọi, vận động nguồn lực để chung sức giúp đỡ, sẻ chia với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn. Trong 06 tháng đầu năm 2023, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, có ý nghĩa cho gần 1.500 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí thực hiện trên 3.544 triệu đồng.

- Các đơn vị thuộc ngành Y tế tổ chức thực hiện tốt hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em (đặc biệt là trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống tại vùng sâu, vùng xa): Bệnh viện Nội tiết tổ chức khám bướu cổ cho 9.900 học sinh từ 8-10 tuổi tại các trường học của 35 xã thuộc các huyện Mường Lát, Bá Thước, Thạch Thành, Như Xuân, Nga Sơn; thực hiện hoạt động khám, chữa bệnh, tầm soát bệnh bướu cổ, đái tháo đường và cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 200 trẻ em tại xã Định Tiến, huyện Yên Định; triển khai chiến dịch bổ sung uống Vitamin A cho trẻ em từ 6-60 tháng tuổi và tẩy giun cho trẻ em từ 24-60 tháng tuổi đợt 1 năm 2023 trên địa bàn tỉnh (hiện tại, đã có 21/27 Trung tâm Y tế huyện hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, với số trẻ được uống thuốc tẩy giun là 188.186/192.469 trẻ, đạt tỷ lệ 98%; tổng số trẻ từ 6-60 tháng tuổi uống Vitamin A 329.975/340.617 đạt tỷ lệ 96,88%).

- Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên đã quan tâm thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn trong dịp tết Nguyên đán. 

- Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phát động Hội LHPN các cấp tổ chức Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” vào dịp Tết Nguyên đán, Ngày Quốc tế phụ nữ tặng quà, hỗ trợ cây, con giống, tặng Mái ấm tình thương cho phụ nữ, trẻ em nghèo; thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ cho hội viên phụ nữ nghèo, trẻ em mồ côi, khó khăn v.v… Kết quả: trao tặng 47 mái ấm tình thương, gần 15.000 suất quà, học bổng, sổ tiết kiệm, trị giá gần 9 tỷ đồng cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Trong 06 tháng đầu năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã kết nối với Công ty Đại Dũng (Thành phố Hồ Chí Minh) đỡ đầu 118 trẻ mồ côi đến 18 tuổi với tổng trị giá ước tính 05 tỷ đồng. Trong dịp lễ kỷ niệm ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Công ty Đại Dũng và Công ty Hóa chất Thăng Long tổ chức gặp mặt trẻ mồ côi được các công ty nhận đỡ đầu nhằm giúp trẻ mồ côi được chia sẻ và tham gia các hoạt động tập thể, giúp các con tự tin, năng động, hòa nhập vào sự phát triển chung, tạo môi trường an toàn và thuận lợi để trẻ mồ côi phát triển và trưởng thành.

- Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp với Trung tâm tình nguyện quốc gia hỗ trợ và xây khánh thành 02 điểm trường mầm non tại huyện Quan Hóa, Bá Thước, 02 ngôi nhà hạnh phúc cho 02 học sinh mồ côi tại các huyện Lang Chánh và Thường Xuân, tổng trị giá 990 triệu đồng. Trao tặng 75 suất quà là thẻ học bơi miễn phí, dụng cụ bơi lội cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn của thành phố Sầm Sơn với tổng giá trị 150 triệu đồng; 30 áo phao bơi cho các em thiếu nhi và tặng 10 suất quà cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống; 600 suất quà, học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số với tổng trị giá 315 triệu đồng; 83 điểm vui chơi, 18 nhà vệ sinh cho em, 14 nhà “Khăn quàng đỏ”, nhà nhân ái được khởi công, xây mới[1], tổng trị giá trên 2,6 tỷ đồng; trao tặng 03 bể bơi di động tại huyện Quảng Xương, Yên Định, Hoằng Hoá.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền trẻ em và các vấn đề liên quan đến trẻ em trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện. Các sở, ngành thành viên của Ban Chỉ đạo tỉnh đã xây dựng kế hoạch, lồng ghép việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm quyền trẻ em theo đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ quy định. Cụ thể:

- Nhằm tăng cường công tác bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em, phát huy vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp, các ngành liên quan trong thực hiện quyền trẻ em, Sở LĐTBXH ban hành Kế hoạch số 24/KH-SLĐTBXH ngày 20/02/2023 về thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023. Trong 06 tháng đầu năm 2023, Sở LĐTBXH đã thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em tại UBND huyện Thạch Thành và UBND 03 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thạch Thành[1], UBND huyện Triệu Sơn và UBND 03 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Triệu Sơn[2]

- Sở Y tế tổ chức kiểm tra 68 cơ sở kinh doanh thực phẩm, trong đó tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh các mặt hàng thực phẩm phục vụ trẻ em gần khu vực trường học, khu vui chơi giải trí. Kết quả: 68/68 cơ sở đã thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý các sản phẩm văn hóa, dịch vụ vui chơi, giải trí dành cho trẻ em (tập trung kiểm tra đối với các mặt hàng đồ chơi trẻ em, nhất là các mặt hàng đồ chơi thông minh, tích hợp nhiều chức năng, kịp thời xử lý những hành vi kinh doanh các sản phẩm văn hóa có nội dung độc hại, đồi trụy, kích động bạo lực). Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em tại các cơ sở kinh doanh hoạt động bơi, lặn, bể bơi, hồ bơi hiện có trên địa bàn tỉnh. 

- Sở Tư pháp đã thực hiện kiểm tra công tác đăng ký, nuôi con nuôi, đăng ký khai sinh trên địa bàn 04 huyện: Quảng Xương, Bá Thước, Mường Lát, thị xã Nghi Sơn. Qua kiểm tra, các đơn vị đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về hộ tịch; việc đăng ký khai sinh, nuôi con nuôi được thực hiện đúng thẩm quyền, thủ tục; lưu trữ hồ sơ đăng ký khai sinh, nuôi con nuôi đúng quy định. 

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý về tội phạm xâm hại trẻ em, trong 06 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 34 vụ xâm hại trẻ em (với 49 đối tượng, 39 nạn nhân bị xâm hại), trong đó: có 22 vụ xâm hại tình dục (với 24 đối tượng, 22 nạn nhân bị xâm hại, đều là nữ), chiếm 64,7% tổng số vụ xâm hại trẻ em (so sánh cùng kỳ năm 2022, số vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em năm 2023 giảm 15%). Cơ quan Công an các cấp đã điều tra, khởi tố 25 vụ với 32 bị can; xử lý hành chính 02 vụ với 05 đối tượng; đang xác minh làm rõ 06 vụ, không khởi tố 01 vụ.

Nguồn lực thực hiện

  • Nguồn nhân lực

Ngày 26/6/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thay đổi thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 tỉnh Thanh Hóa (tại Quyết định số 2220/QĐ-UBND ngày 26/6/2023). Hiện nay, Ban Chỉ đạo tỉnh gồm 14 thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể cấp tỉnh và 13 thành viên trong Tổ công tác liên ngành giúp việc cho Ban Chỉ đạo tỉnh.

Cơ quan Thường trực (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đã bố trí 06 cán bộ của Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, 02 cán bộ của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh để tham mưu thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh.

  • Nguồn kinh phí

Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh để thực hiện công tác trẻ em trong 06 tháng đầu năm (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) là 1.056.840.000 đồng. Các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh đã tích cực huy động, vận động kinh phí để triển khai thực hiện các hoạt động công tác và hỗ trợ, giúp đỡ, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn.

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

Mục tiêu 1: Về phát triển toàn diện trẻ em, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em

- Chỉ tiêu 1: Theo kết quả đánh giá, công nhận cuối năm 2022, có 466/559 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, đạt tỷ lệ 83,4%; còn 93 xã, phường, thị trấn chưa đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em năm 2022, chiếm tỷ lệ 16,6%[1].

- Chỉ tiêu 2: Có 80% trẻ em đến 08 tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện.

- Chỉ tiêu 3:

+ Tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 01 tuổi trên 1.000 trẻ đẻ sống là 10‰ (giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022); 

+ Tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 05 tuổi trên 1.000 trẻ đẻ sống là 15‰ (giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022).

- Chỉ tiêu 4:

+ Tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 13,5%;

+ Tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi là 24%.

- Chỉ tiêu 5: Tỷ lệ trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin là 32,8%.

- Chỉ tiêu 6: Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con là 100% âm tính.

- Chỉ tiêu 7: Tỷ lệ cơ sở giáo dục cho trẻ em có công trình vệ sinh hợp vệ sinh đạt 100% (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022).

Mục tiêu 2: Về bảo vệ trẻ em

- Chỉ tiêu 8: Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 1,57% (tăng 0,23% so với cùng kỳ năm 2022[1]); tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp là 93,74 (tăng 0,74% so với cùng kỳ năm 2022).

- Chỉ tiêu 9: Tỷ lệ trẻ em bị xâm hại trên tổng số trẻ em là 0,0041% (giảm 0,0008% so với cùng kỳ năm 2022).

- Chỉ tiêu 10: Không có tình trạng trẻ em lao động trái quy định của pháp luật xảy ra trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ tiêu 11: Tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích là 3,6/100.000 trẻ em (bằng với cùng kỳ năm 2022).

- Chỉ tiêu 12: 100% trẻ em gặp thiên tai, thảm họa được cứu trợ, hỗ trợ kịp thời.

- Chỉ tiêu 13: Từng bước xóa bỏ tình trạng tảo hôn.

- Chỉ tiêu 14: Trong 6 tháng đầu năm 2023, có 30.798 trẻ em sinh ra được đăng ký khai sinh: trong đó 30.361 trẻ em đăng ký đúng hạn (chiếm tỷ lệ 98,6%). Số trẻ em đăng ký khai sinh quá hạn chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. 

Mục tiêu 3: Về giáo dục, văn hóa, vui chơi, giải trí trẻ em

- Chỉ tiêu 15: Tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi được phát triển phù hợp về sức khỏe, học tập và tâm lý xã hội đạt 100% (tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2022);

- Chỉ tiêu 16: Tỷ lệ huy động trẻ em 05 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99,8% (tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2022).

- Chỉ tiêu 17: Tỷ lệ trẻ em hoàn thành cấp tiểu học đạt 97,6% và không có trẻ em bỏ học bậc tiểu học.

- Chỉ tiêu 18: Tỷ lệ trẻ em hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt 99,9%; tỷ lệ trẻ em bỏ học bậc trung học cơ sở là 0,47%.

- Chỉ tiêu 19: Tỷ lệ trường học có dịch vụ hỗ trợ tâm lý trẻ em đạt 88,5% (tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2022);

- Chỉ tiêu 20: Tỷ lệ trường học có cơ sở hạ tầng và tài liệu phù hợp với học sinh khuyết tật đạt 80% (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022); tỷ lệ trẻ em khuyết tật có nhu cầu học tập được tiếp cận giáo dục chuyên biệt, giáo dục hòa nhập và hỗ trợ phục hồi chức năng phù hợp đạt 75% (tăng 03% so với cùng kỳ năm 2022).

- Chỉ tiêu 21: Có 532/559 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn có cơ sở vật chất văn hóa, thể thao dành cho trẻ em (chiếm tỷ lệ 95,2%).

Mục tiêu 4: Về sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em

- Chỉ tiêu 22: 27% trẻ em từ 07 tuổi trở lên được hỏi ý kiến về các vấn đề của trẻ em với các hình thức phù hợp.

- Chỉ tiêu 23: 80% trẻ em được nâng cao nhận thức, năng lực về quyền tham gia của trẻ em.

- Chỉ tiêu 24: 27% trẻ em từ 11 tuổi trở lên được tham gia vào các mô hình, hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.  

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 tỉnh Thanh Hóa sẽ tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp để giải quyết những vấn đề liên quan đến công tác trẻ em còn tồn tại. Nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em; phòng, chống bạo lực trẻ em tại gia đình, bạo lực trong trường học; phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là đuối nước trẻ em.                                        


Đỗ Nhất
Nguồn tin: Văn phòng Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.