THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

Thay đổi nhận thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Như Xuân

Ngày tạo:  31/07/2023 08:19:56
Như Xuân có 16 đơn vị hành chính, với dân số gần 70 nghìn người, trong đó có 60% là người dân tộc thiểu số (DTTS). Đa số người DTTS có thói quen sống và làm việc duy tình, coi trọng phong tục tập quán, ít quan tâm đến việc tìm hiểu kiến thức pháp luật nên am hiểu về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước còn hạn chế.

 

Một buổi tuyên truyền các quy định của pháp luật về đất đai, phòng, chống tham nhũng và trợ giúp pháp lý năm 2023 tại xã Thanh Quân.

Trước thực trạng trên, Phòng Tư pháp huyện Như Xuân đã tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các cơ quan thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) huyện đổi mới phương pháp tuyên truyền, PBGDPL để người DTTS có thể tiếp cận với pháp luật, như thông qua các hội nghị sinh hoạt đoàn thể, các buổi tư vấn pháp luật ở cơ sở, qua đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, qua hệ thống truyền thanh di động... Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Như Xuân đã triển khai thực hiện được 67 cuộc tuyên truyền PBGDPL với 6.621 lượt người tham gia, trong đó cấp huyện tổ chức và phối hợp tổ chức được 6 cuộc với 732 lượt người tham gia; cấp xã 61 cuộc với 5.889 lượt người tham gia. Xây dựng, cấp phát được 15.412 tài liệu tuyên truyền. Bên cạnh đó, toàn huyện có 127 tổ hòa giải ở cơ sở, với 897 hòa giải viên đã góp phần quan trọng làm giảm tranh chấp, đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn đã tiếp nhận 44 vụ việc, trong đó hòa giải thành là 31 vụ việc, không thành 9 vụ và đang giải quyết 4 vụ. Phòng Tư pháp huyện cũng đã phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa, thanh tra huyện, Hội Người cao tuổi, Phòng Tài nguyên - Môi trường tổ chức tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động, tư vấn pháp luật cho bà con Nhân dân tại 4 xã Thanh Quân, Thanh Lâm, Thanh Xuân và Thanh Sơn với hơn 400 lượt người tham gia. Phối hợp với Phòng Dân tộc, UBND xã Thượng Ninh tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy; hòa giải cơ sở; phòng, chống bạo lực gia đình cho 130 cán bộ, người làm việc không chuyên trách và bà con Nhân dân, các em học sinh. Phối hợp với Sở Tư pháp mời các báo cáo viên cấp tỉnh triển khai các quy định mới trong công tác xây dựng, đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với 235 đại biểu tham dự.

Đồng chí Bùi Minh Luyến, Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện Như Xuân, cho biết: Để đạt hiệu quả tuyên truyền cao nhất, trước khi về địa phương tư vấn pháp luật, các cán bộ tư pháp đều dành thời gian tìm hiểu nhu cầu kiến thức pháp luật của Nhân dân, từ đó xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền phù hợp với đặc thù từng xã. Đối với những xã khó khăn, các khu dân cư hẻo lánh, có nhiều đồng bào DTTS, công tác tuyên truyền tập trung vào các chính sách dân tộc, dân số, kiến thức về Luật Hôn nhân và Gia đình, bình đẳng giới. Đối với những xã có vùng thu hồi đất, tập trung tuyên truyền những nội dung liên quan đến đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, khiếu nại, tố cáo. Với Nhân dân các xã, có thôn, bản giáp với tỉnh bạn Nghệ An, chú trọng công tác tuyên truyền pháp luật, cung cấp thông tin liên quan đến công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng, vận động Nhân dân không mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn với nhiều hình thức phong phú, đa dạng... Quá trình phổ biến pháp luật cho Nhân dân, đồng bào DTTS có sự linh hoạt và lấy những dẫn chứng cụ thể để người dân dễ hiểu, dễ hình dung.

Việc tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa ở Như Xuân đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy dân chủ của Nhân dân; ngăn ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

 


Bài và ảnh: Tiến Đạt
Nguồn tin: Bài và ảnh: Tiến Đạt

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.