THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

Huyện Hoằng Hóa: UBND xã Hoằng Thắng tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biên Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho tuyên truyền viên pháp luật và các tổ hòa giải

Ngày tạo:  08/09/2023 15:57:02
Nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho tuyên truyền viên pháp luật và nghiệp vụ hòa giải cho các hòa giải viên ở cơ sở, ngày 08/9/2023 UBND xã tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho tuyên truyền viên pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ công tác hòa giải ở cơ sở năm 2023 cho 76 đại biểu là cán bộ, công chức, MTTQ, các ban ngành Đoàn thể ở xã, đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, tổ trưởng, tổ phó và thành viên hòa giải cơ sở ở thôn trên địa bàn xã.

Tham dự buổi tổ chức hội nghị tập huấn có đồng chí: Lê Doãn Bản - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND xã; cùng dự có các đồng chí trong Thường trực Đảng ủy, HĐND, lãnh đạo UBND xã, Chủ tịch UB MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể xã, các đồng chí Bí thư chi bộ, Thôn trưởng các thôn, tổ Hòa giải của 7 thôn trên địa bàn xã Hoằng Thắng.

Ông: Hoàng Văn Hiến - Chủ tịch UBND xã phát biểu khai mạc hội nghị TTPL

 

Hội nghị đã được nghe ông Hoàng Văn Thận - Chủ tịch MTTQ xã triển khai các nội dung chính của Luật thực hiện dân chủ ở sơ sở, cụ thể:

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 cụ thể hóa đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” 

- Những nội dung công khai để Nhân dân biết: Các quy định liên quan đến nội dung và hình thức công khai thông tin để dân biết ở tất cả các loại hình cơ sở theo hướng cập nhật, bổ sung các quy định tương ứng trong các luật chuyên ngành như: Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản pháp luật liên quan; bổ sung những quy định cụ thể khác nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác công khai thông tin. Cụ thể, bổ sung quy định lựa chọn hình thức công khai thông tin (Điều 13); trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc công khai thông tin (Điều 14); bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu và của cơ quan, đơn vị trong việc công khai thông tin (Điều 48); bổ sung quy định về thời gian công khai (Điều 65); quy định về trách nhiệm của người đại diện có thẩm quyền của tổ chức có sử dụng lao động trong việc công khai thông tin (Điều 66). 

- Những nội dung Nhân dân bàn và quyết định: 

Ở cộng đồng dân cư: Nhân dân ở thôn, tổ dân phố bàn và quyết định những nội dung quy định tại Điều 15 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 bằng một trong các hình thức sau: (i) Tổ chức cuộc họp của thôn, tổ dân phố với thành phần tham dự gồm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, ban công tác Mặt trận Tổ quốc thôn, tổ dân phố, đại diện các hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố (Điều 18); (ii) Phát phiếu biểu quyết, lấy ý kiến tới từng hộ gia đình (Điều 19); (iii) Trường hợp pháp luật có quy định khác về việc tổ chức toàn thể cử tri trên địa bàn, quyết định về một số nội dung cụ thể thì thực hiện theo quy định đó (Điều 17). Về tỷ lệ đồng thuận để quyết định của cộng đồng dân cư có hiệu lực thi hành, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 đã phân định rõ một số trường hợp quyết định của cộng đồng dân cư (nhất là các quyết định liên quan đến các khoản đóng góp...) được thông qua khi có 2/3 trở lên hoặc trên 50% tổng số hộ gia đình tán thành để tăng tính đồng thuận trong cộng đồng dân cư, bảo đảm hiệu lực thực hiện các quyết định của cộng đồng dân cư có khả năng thực hiện trên thực tế (Điều 21). 

Tại cơ quan, đơn vị và tại tổ chức có sử dụng lao động: Bổ sung quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được bàn và quyết định trong thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị (Điều 49) và các nội dung người lao động bàn, quyết định trong thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động (Điều 67). Các nội dung này được bàn và quyết định tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hoặc hội nghị người lao động. Trường hợp không thể tổ chức hội nghị thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị, sau khi đã thống nhất với Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị, quyết định việc gửi phiếu lấy ý kiến của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị hoặc người đại diện có thẩm quyền của tổ chức có sử dụng lao động quyết định việc gửi phiếu lấy ý kiến của toàn thể người lao động trong tổ chức sau khi đã thống nhất với ban đại diện của tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở (Điều 68). 

- Những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến: Các quy định liên quan đến nội dung và hình thức Nhân dân tham gia ý kiến ở tất cả các loại hình cơ sở phù hợp với các luật chuyên ngành có liên quan; đồng thời bổ sung các quy định về trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, tập thể Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã trong việc tổ chức thực hiện để Nhân dân tham gia ý kiến (Điều 28), trách nhiệm tham gia của Nhân dân (Điều 29); trách nhiệm của người đứng đầu của công đoàn cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện và trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc tích cực tham gia ý kiến (Điều 55); việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc (Điều 73); trách nhiệm của tổ chức có sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở trong việc tổ chức thực hiện và trách nhiệm của đảng viên, công đoàn viên, người lao động trong việc tích cực tham gia ý kiến (Điều 74). 

- Những nội dung Nhân dân kiểm tra, giám sát: Nội dung, hình thức Nhân dân kiểm tra, giám sát để phát huy được sự tham gia và vai trò của từng người dân trong việc kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức và cơ quan công quyền, phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, phát huy dân chủ, tăng tính phản biện và sức sáng tạo của Nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, người dân kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với các nội dung mà Nhân dân đã bàn, quyết định và thực hiện giám sát việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở và việc thực hiện chính sách, pháp luật của chính quyền địa phương cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (Điều 30), của người đứng đầu, ban lãnh đạo, người có thẩm quyền của cơ quan, đơn vị (Điều 56) và của tổ chức có sử dụng lao động, người đại diện có thẩm quyền, ban lãnh đạo, điều hành và những người có thẩm quyền khác của tổ chức có sử dụng lao động (Điều 75). Công dân có thể trực tiếp thực hiện việc kiểm tra, giám sát thông qua các hoạt động lao động, sản xuất, học tập, làm việc, công tác, sinh hoạt của công dân ở cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động… hoặc thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (ở xã, phường, thị trấn); thông qua hoạt động của các thiết chế đại diện (đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân), qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội mà mình là thành viên cũng như các tổ chức tự quản khác tại cơ sở (các Điều 31, Điều 57, Điều 76). 

- Những nội dung người dân thụ hưởng: Theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, người dân được Nhà nước và pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, các quyền về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật và quy định khác của pháp luật có liên quan; được thông tin đầy đủ về các quyền và lợi ích hợp pháp, chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội theo quy định của pháp luật và quyết định (nếu có) của chính quyền địa phương mà mình được hưởng; được thụ hưởng thành quả đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, chế độ an sinh xã hội và sự an toàn, ổn định của đất nước, của địa phương và ở cộng đồng dân cư nơi sinh sống; thành quả đổi mới, phát triển của cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động nơi làm việc; được tạo điều kiện để tham gia học tập, công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bản thân, gia đình và cộng đồng.....

Ông: Hoàng Văn Thận – Chủ tịch MTTQ xã trực tiếp phổ biến nội dung Luật Dân chủ cơ sở

 

 Tại hội nghị, bà Lê Thị Hương - Công chức Tư pháp -Hộ tịch  đã truyền đạt những nội dung cơ bản về nghiệp vụ hòa giải như: 

Vai trò, ý nghĩa của hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội, yêu cầu của phạm vi hòa giải ở cơ sở, các nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở; Các bước tiến hành hòa giải; Thời gian, địa điểm tổ chức buổi hòa giải; Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lắng nghe; Kỹ năng yêu cầu các bên cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc; Kỹ năng xem xét, xác minh vụ việc; Kỹ năng chuẩn bị tổ chức, điều hành, kiểm soát buổi hòa giải, Kỹ năng giải thích, thuyết phục, hướng dẫn các bên tự thỏa thuận dàn xếp mâu thuẫn, tranh chấp. Liên hệ thực tế và đưa ra các vụ việc, ví dụ, tình huống xảy ra trên địa bàn giúp cho các hòa giải viên nhận biết được những việc nào được hòa giải những việc không được hòa giải.

Bà: Lê Thị Hương  - Công chức Tư pháp - Hộ tịch trực tiếp truyền đạt các nội dung tại hội nghị

Thông qua hội nghị các đại biểu đã lắng nghe được những nội dung chính của Luật thực hiện dân chủ, được truyền đạt, giới thiệu những kiến thức chung, kỹ năng hòa giải ở cơ sở; cung cấp những nội dung mang tính ứng dụng cao, cụ thể và thiết thực, phù hợp với yêu cầu hoạt động hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, các đại biểu được tham gia thực hành, xử lý, đề xuất hướng giải quyết các tình huống phát sinh trong thực tiễn đời sống xã hội. Trang bị kiến thức pháp luật mới, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở nhằm phục vụ tốt hơn công hòa giải ở cơ sở. Từ đó tăng tỷ lệ hòa giải thành, giải quyết mâu thuẫn từ cơ sở, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư, góp phần hạn chế khiếu kiện vượt cấp, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội./.


Lê Hương – Công chức Tư pháp – Hộ tịch xã Hoằng Thắng

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.