THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xuất khẩu lao động

Ngày tạo:  17/10/2023 10:10:04
(Baothanhhoa.vn) - Xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là hướng giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, những năm qua tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác XKLĐ và đạt được những kết quả tích cực. Nhờ đó, hàng ngàn người dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa cung cấp thông tin về di cư an toàn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW (gọi tắt là Chỉ thị số 20) ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới”, ngày 8/3/2023 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 118-KH/TU về việc thực hiện Chỉ thị số 20; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 107/KH-UBND, ngày 5/5/2023 để triển khai thực hiện. Theo đó, kế hoạch đề ra các mục tiêu phấn đấu mỗi năm đưa trên 6.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; 100% lao động được đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; 65% lao động trở lên được đào tạo nghề trước khi đi làm việc ở nước ngoài vào năm 2025 và đạt 80% trở lên vào năm 2030. Có ít nhất 80% gia đình hộ nghèo thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ thoát nghèo...

Để triển khai hiệu quả Chỉ thị số 20, tỉnh đã thành lập, kiện toàn, duy trì hoạt động ban chỉ đạo các cấp; tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, người lao động và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, xác định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong hệ thống chính trị đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, gắn với định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, phát huy tốt vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ, hội nông dân...

Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch điều tra, rà soát, cập nhật thông tin biến động cung, cầu lao động; tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng và chủ động tư vấn xuất khẩu cho người lao động, nhất là lao động khu vực nông thôn, vùng núi khó khăn, lao động thuộc đối tượng chính sách, người dân tộc. Các xã, phường, thị trấn phối hợp với các công ty, trung tâm trực tiếp tư vấn, tuyên truyền, giải thích cho người lao động về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về XKLĐ; đồng thời, hướng dẫn người lao động làm hồ sơ, các thủ tục cần thiết khi có nhu cầu tham gia XKLĐ, giúp người dân tiếp cận thông tin nhanh và chính xác nhất về thị trường lao động, thông tin về ngành nghề cũng như chi phí xuất cảnh...

Tính đến hết tháng 9/2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) tỉnh đã tư vấn cho 25.979 lượt người về thị trường XKLĐ bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, số lao động được tư vấn gián tiếp 7.466 lượt người; tư vấn qua điện thoại 5.662 lượt người và tư vấn trực tiếp 12.851 lượt người. Đạt được kết quả trên, TTDVVL đã chủ động phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở từng địa phương tổ chức tuyên truyền, tư vấn về hiệu quả của XKLĐ; thông báo về kế hoạch, chỉ tiêu tuyển lao động, nhu cầu thị trường lao động trên thế giới. Đồng thời, hỗ trợ người lao động đang trong quá trình đi làm việc tại nước ngoài, nhất là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Đức. Đẩy mạnh tư vấn các thông tin về tuyển sinh các lớp tiếng Hàn Quốc, tạo nguồn cho chương trình XKLĐ EPS và các chương trình khác về thị trường lao động tại Hàn Quốc, như: VisaE7, D4-6... Đẩy mạnh công tác tuyển sinh, trong đó chú trọng truyền thông tới các địa phương và phối hợp với các doanh nghiệp để thực hiện công tác tuyên truyền, tuyển sinh học viên tham gia các lớp đào tạo tiếng Hàn, ưu tiên người lao động sinh sống tại các huyện nghèo, xã bãi ngang ven biển đặc biệt khó khăn nhằm tạo nguồn cho chương trình XKLĐ. Kiểm tra và thẩm định các đơn hàng XKLĐ và tư cách pháp nhân của các doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài... Qua đó, giúp người lao động kịp thời nắm bắt được chủ trương của Đảng, Nhà nước, được trực tiếp giải đáp những điều còn vướng mắc khi tham gia XKLĐ, xóa bỏ tâm lý hoang mang trước những thông tin sai lệch, không chính thống về XKLĐ.

Nhờ những giải pháp đồng bộ, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã đưa được hơn 10 ngàn người đi XKLĐ, đạt trên 200% kế hoạch năm, bằng 126,2% cùng kỳ. Lao động đi việc làm ở nước ngoài tập trung vào các thị trường chính như: Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc.

Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh để đào tạo nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động; xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện đồng bộ hệ thống dữ liệu người lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài với cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Động viên, khuyến khích doanh nghiệp tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường XKLĐ. Tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm cố định và lưu động trên địa bàn toàn tỉnh, chú trọng vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển để tư vấn, tuyển chọn lao động có nhu cầu tham gia XKLĐ...


Bài và ảnh: Trần Hằng
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.