THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

Xây dựng môi trường an toàn lành mạnh cho trẻ em

Ngày tạo:  17/10/2023 10:59:44
(Baothanhhoa.vn) - Những “mầm non” của đất nước đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ thế giới thực đến thế giới ảo mỗi ngày. Nếu không đủ hành trang, kỹ năng cũng như sự quan tâm từ gia đình và xã hội, thì những “mầm non” ấy sẽ dễ sa vào các tệ nạn xã hội, rơi vào các trường hợp nguy hiểm hay bị ngược đãi, xâm hại, bạo lực. Chính vì vậy, xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em là vấn đề cần phải chú trọng.
Trẻ em đọc sách tại Thư viện Tỉnh

Nguy hiểm rình rập

Anh B.V.T., (xã Cẩm Bình, Cẩm Thủy) vẫn còn hoang mang khi nhớ lại đến giờ ăn cơm tối mà không thấy con trai 9 tuổi về nhà. Sau đó gia đình anh tìm thấy con trai bên nhà hàng xóm, nhưng cháu đã hôn mê. Gia đình đưa cháu đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Thủy, sau đó được chuyển xuống Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Sau 1 ngày điều trị tích cực cháu mới có dấu hiệu tỉnh, nhưng vẫn lơ mơ, nôn, sức khỏe yếu. Những ngày sau đó sức khỏe của cháu luôn diễn biến bất thường. Khoảng 10 ngày sau sức khỏe của cháu mới dần ổn định. Các y, bác sĩ đã lấy mẫu xét nghiệm và xác định cháu bị ngộ độc rượu nặng, biến chứng lên phổi. Anh T. chia sẻ: “Sau sự việc lần ấy, gia đình tôi đã không để cháu tự do đi chơi và cũng dạy cháu những gì không được sử dụng, tự bảo vệ bản thân”.

Trao đổi về môi trường sống của trẻ em hiện nay, chị L.V.A. (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Con gái tôi từng bị một số tài khoản trên mạng xã hội tiếp cận, dụ dỗ, lan truyền lối sống lệch lạc. Nhưng, vì tôi luôn đồng hành cùng con, luôn để con cái lên tiếng thể hiện mong muốn của mình với cha mẹ, do đó khi xảy ra sự việc, con gái đã tâm sự với tôi. Tôi đã không cấm đoán, mà đồng hành cùng con, giáo dục, nâng cao nhận thức của con trong việc sử dụng mạng xã hội và tự bảo vệ mình thông qua những câu chuyện. Nhờ đó, con gái tôi đã tự bảo vệ được bản thân trước những cạm bẫy".

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 6-2023, toàn tỉnh có 960.281 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 25,4% dân số toàn tỉnh), trong đó có 15.069 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm tỷ lệ 1,57% (tăng 0,23% so với cùng kỳ năm 2022) và 129.195 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, chiếm tỷ lệ 13,4% trên tổng số trẻ em (tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2023).

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 6-2023, toàn tỉnh có 960.281 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 25,4% dân số toàn tỉnh), trong đó có 15.069 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm tỷ lệ 1,57% (tăng 0,23% so với cùng kỳ năm 2022) và 129.195 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, chiếm tỷ lệ 13,4% trên tổng số trẻ em (tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2023). Toàn tỉnh đã xảy ra 22 vụ tai nạn, thương tích gây tử vong 25 trẻ em, trong đó có 14 vụ tai nạn đuối nước làm 15 trẻ tử vong, 5 vụ tai nạn giao thông làm 6 trẻ tử vong và 3 vụ tai nạn, thương tích khác làm 4 trẻ tử vong. Có 22 trẻ em bị xâm hại, trong đó có 9 trẻ em bị xâm hại tình dục, còn lại là các hình thức xâm hại khác như bạo lực, trộm cắp, cướp giật...

Những con số trên cho thấy, hơn bao giờ hết công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, tạo dựng môi trường an toàn lành mạnh cho trẻ đang cần được gia đình và xã hội đặc biệt chú trọng. Đó là vấn đề có tính chiến lược và lâu dài, cần được các cấp, ngành, địa phương cụ thể hóa bằng sự quan tâm từ nguồn lực, những chính sách, chương trình và mô hình phù hợp.

Tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh

Để xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ trẻ em ở 3 cấp độ: phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp. Trong đó, chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức, năng lực cho đội ngũ cán bộ và cha mẹ, người chăm sóc trẻ; tuyên truyền phổ biến kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ em, đặc biệt là kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp đã tập trung xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình nhằm loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em như “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn”. Đến nay, toàn tỉnh có 145.567 ngôi nhà đạt tiêu chí “Ngôi nhà an toàn”; 1.488 trường học đạt tiêu chuẩn “Trường học an toàn”; 242 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn “Cộng đồng an toàn” về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Tỷ suất trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích là 2,6/100.000 trẻ. Nhiều mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được triển khai hiệu quả như: “Mẹ đỡ đầu” của Hội LHPN tỉnh; “Cha nuôi biên phòng”... đã góp phần hỗ trợ, động viên tinh thần, vật chất cho các em. Nhờ đó, trong 6 tháng năm 2023 đã có 93,74% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp (tăng 0,74% so với cùng kỳ năm 2022).

Cùng với đó, việc chăm sóc sức khỏe, bảo đảm chính sách giáo dục thực hiện quyền của trẻ em cũng được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, thực hiện tốt. Tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi trên 1.000 trẻ sống giảm còn 10%o (giảm 0,5%o so với cùng kỳ năm 2022); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 13,5% (giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2022); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi là 24% (giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2022). Tỷ lệ trẻ em đi học mẫu giáo đúng độ tuổi đạt 96%; tỷ lệ đi học tiểu học đúng độ tuổi và học sinh hoàn thành cấp THCS đạt 100%.

Đến nay, 4.214/4.357 thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa - khu thể thao và các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí, phát triển toàn diện cho trẻ em.

Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng ưu tiên bố trí quỹ đất dành cho việc xây dựng các công trình phúc lợi cho trẻ em; đẩy mạnh kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xã hội hóa trong đầu tư xây dựng các khu vui chơi, giải trí cho trẻ em và tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa - thể thao cho trẻ em. Đến nay, 4.214/4.357 thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa - khu thể thao và các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí, phát triển toàn diện cho trẻ em.

Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh là cơ sở để gia đình, nhà trường và toàn xã hội thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em, bảo đảm trẻ được phát triển toàn diện; chú trọng việc phòng, chống xâm hại trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em. Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề trẻ em một cách quyết liệt. Tạo nền tảng vững chắc giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần trong một môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện.


Bài và ảnh: Thùy Linh
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.