Tại buổi làm việc, đoàn công tác do đồng chí Lê Ngọc Minh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp làm trưởng đoàn đã nghe báo cáo của Uỷ ban nhân dân các huyện về kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch, đánh giá tình hình, kết quả công tác chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện việc nhập dữ liệu hộ tịch tại địa phương: Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện nhập dữ liệu hộ tịch trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của địa phương (Việc ban hành Kế hoạch, văn bản và các hoạt động (tổ chức họp, hội nghị…) để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện nhập dữ liệu hộ tịch trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của địa phương; việc ban hành kế hoạch, văn bản để kiểm tra, đôn đốc thực hiện); Việc thành lập, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho Tổ nhập dữ liệu hộ tịch trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tiến độ, kết quả triển khai thực hiện nhập dữ liệu hộ tịch trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của địa phương. Đồng thời cũng nắm bắt những hạn chế, khó khăn, vướng mắc; giải pháp hoàn thành việc nhập dữ liệu hộ tịch trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của địa phương trong thời gian tới để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao theo đúng tiến độ đã đề ra.
Theo báo cáo của các địa phương, việc thực hiện nhập dữ liệu hộ tịch trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như:
Chưa được quan tâm bố trí kinh phí, nhân lực, cơ sở hạ tầng chưa đủ đáp ứng, hệ thống dữ liệu dân cư vẫn thường xuyên bị quá tải, chậm, lỗi; công chức làm công tác hộ tịch vừa thực hiện nhập dữ liệu vừa phải làm công việc chuyên môn nên quá tải, chưa bảo đảm được tiến độ công việc
Tại Công an xã, một số đơn vị chỉ được bố trí 01 máy tính vừa để thực hiện công việc chuyên môn, vừa tiến hành nhập dữ liệu dẫn đến việc nhập dữ liệu hộ tịch gặp nhiều khó khăn. Việc phối hợp giữa Công an xã và Tư pháp cấp xã cũng như lực lượng được huy động vào tổ nhập dữ liệu cũng chưa được tốt vì khi công chức bố trí được thời gian để nhập dữ liệu thì lực lượng Công an lại phải ưu tiên giải quyết thủ tục hành chính cho công dân. Phần lớn thời gian nhập dữ liệu là ngoài giờ hoặc thứ 7, chủ nhật mà không có kinh phí hỗ trợ.
Ngoài ra, quá trình nhập dữ liệu hộ tịch trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho thấy, nhiều sổ hộ tịch trong nhiều giai đoạn bị thiếu trường thông tin hoặc thông tin đồng bộ không chính xác như chức danh người ký, người đi khai, loại việc, giới tính; sổ đăng ký hộ tịch còn rất nhiều sai sót do lỗi ghi chép của công chức hộ tịch, chữ viết của công chức tư pháp hộ tịch trong sổ hộ tịch không đọc được do xấu và quá mờ, nhiều quyển sổ rách không đầy đủ thông tin, trùng lặp thông tin, số đăng ký lặp lại nhiều lần... (dữ liệu về đăng ký kết hôn nhưng không có ngày xác lập quan hệ hôn nhân; dữ liệu khai sinh không có ngày, tháng, năm đăng ký khai sinh, thiếu thông tin về dân tộc, về cha, mẹ hoặc năm sinh của cha, mẹ trong giấy tờ hộ tịch lại ghi tuổi; không ghi số quyển, năm mở sổ; không có thông tin của công chức thực hiện đăng ký hộ tịch, thông tin lãnh đạo cấp xã ký giấy tờ hộ tịch; thông tin trong sổ khai sinh và giấy khai sinh không thống nhất...). Nhiều sổ hộ tịch bị hư hỏng do nhiều yếu tố (do không có kho lưu trữ riêng biệt, bị côn trùng cắn, một số địa phương bị lũ lụt...), khi thực hiện cập nhật, số hóa dữ liệu hộ tịch thì sổ đăng ký hộ tịch còn sử dụng được nhưng hiện nay, khi thực hiện nhập dữ liệu hộ tịch thì sổ bị hư hỏng, rách nát không thể cập nhật được thông tin…
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Lê Ngọc Minh đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp huyện phối hợp với Công an huyện chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp xã và Công an xã tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành việc nhập dữ liệu hộ tịch trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn toàn tỉnh trước ngày 20/12/2023 và thực hiện rà soát, phân loại các dữ liệu hộ tịch không đầy đủ thông tin, hư hỏng, rách nát để Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh./.
Lê Thị Bình |
Nguồn tin: Phòng Hành chính Tư pháp |
File đính kèm |