THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác xử lý vi phạm hành chính

Ngày tạo:  27/12/2023 09:06:28
Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương quản lý hành chính nhà nước. Xử phạt VPHC kịp thời, nghiêm minh, công khai, khách quan, đúng quy định của pháp luật không chỉ góp phần ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm pháp luật mà còn có vai trò, ý nghĩa rất lớn trong việc bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm sự công bằng trong xã hội và bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa.

          Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương quản lý hành chính nhà nước. Xử phạt VPHC kịp thời, nghiêm minh, công khai, khách quan, đúng quy định của pháp luật không chỉ góp phần ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm pháp luật mà còn có vai trò, ý nghĩa rất lớn trong việc bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm sự công bằng trong xã hội và bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa.

            Với nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND tỉnh trong công tác thi hành pháp luật và quản lý xử lý VPHC, trong năm 2023, công tác thi hành pháp luật và quản lý VPHC trên địa bàn tỉnh do Sở Tư pháp thực hiện cơ bản được thực hiện theo quy định, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trên cơ sở Kế hoạch số 12/KH- UBND, ngày 30/01/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Tư pháp tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng, nghiệp vụ, triển khai thi hành và áp dụng pháp luật XLVPHC cho gần 3000 đại biểu. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, ngành đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định hướng dẫn thi hành đến tổ chức, cá nhân bằng các hình thức phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị  và đạt được nhiều kết quả tích cực, đưa pháp luật xử lý vi phạm hành chính đi vào cuộc sống, góp phần hạn chế vi phạm pháp luật, ổn định trật tự xã hội. Tại các huyện, thị xã, thành phố cũng đã tổ chức tuyền truyền hơn 200 hội nghị thu hút 27.632 đại biểu tham dự; phát sóng 65.174 lượt bản tin về XLVPHC trên sóng Đài Truyền thanh - truyền hình huyện và hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Ngoài ra, còn thực hiện lồng ghép công tác tuyên truyền qua các Hội nghị chuyên ngành, hội nghị giao ban đến cán bộ, công chức về các nội dung có liên quan thiết thực đến đời sống trong đó có nội dung pháp luật về xử lý vi phạm hành chính…

Toàn cảnh Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính

          Song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngay sau khi Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 886/QĐ-UBND ngày 17/3/2023 về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023, trong đó, giao cho Sở Tư pháp làm Trưởng đoàn và phối hợp với các Sở, ngành thực hiện kiểm tra việc thi hành pháp luật về XLVPHC tại 3 đơn vị là huyện Triệu Sơn, Thường Xuân và Quan Sơn. Qua công tác kiểm tra, về cơ bản các đơn vị được kiểm tra đã tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác quản lý XLVPHC, bố trí công chức thực hiện và đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ công tác thi hành pháp luật về XLVPHC. Việc lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành đúng theo trình tự, thủ tục; việc lưu trữ, quản lý hồ sơ hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đầy đủ theo quy định.

      Bên cạnh những kết quả đạt được, trong năm 2023, tổng số vụ vi phạm, tổng số đối tượng bị xử phạt, số tiền phạt thu được từ xử phạt vi phạm hành chính tăng so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể: Tổng số vụ vi phạm là 11.933 vụ, tăng 18,2%  của cùng kỳ năm 2022 (10.097 vụ); Tổng số đối tượng bị xử phạt: 11.728 đối tượng, tăng 6,8% của cùng kỳ năm 2022 (10.984 đối tượng); Tình hình thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính: 11.841 quyết định, tăng 14,5 % của cùng kỳ năm 2022 (10.339 quyết định).Tổng số tiền phạt thu được: 71.826.806.626 đồng, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2022 ( 57.044.674.095 đồng). 

      So với cùng kỳ năm 2022, số vụ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính cho thấy tình trạng nghiện ma túy trong cộng đồng có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, đối tượng người chưa thành niên được áp dụng biện pháp thay thế quản lý tại gia đình và giáo dục dựa vào cộng đồng lại tăng cũng cho thấy đối tượng nghiện ma túy ngày càng trẻ hóa. Cụ thể: Tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính : 442 đối tượng giảm 56,6% so với cùng kỳ năm 2022 (1019 đối tượng); số đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính: 390 đối tượng giảm 49,8% so với cùng kỳ năm 2022 (777 đối tượng); số người chưa thành niên được áp dụng biện pháp thay thế quản lý tại gia đình và giáo dục dựa vào cộng đồng: 39 đối tượng, tăng 37 đối tượng so với cùng kỳ năm 2022 (02 đối tượng). Tình hình tổ chức thi hành các quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính: 341 quyết định giảm 65,2 % so với cùng kỳ năm 2022 (981 quyết định).

Ngoài ra, trong thực tiễn thi hành pháp luật về xử lý VPHC còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: Các trình tự, thủ tục ban hành quyết định xử phạt VPHC chưa đảm bảo theo quy định (ban hành quá thời hạn, trái thẩm quyền, xác định hành vi vi phạm không đúng, áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không phù hợp đối với hành vi VPHC); việc thi hành quyết định xử phạt VPHC chưa triệt để; công tác lưu trữ hồ sơ, thống kê, theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả xử phạt VPHC chưa kịp thời, đầy đủ; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc xử lý VPHC chưa thống nhất...

               Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên, trước hết xuất phát từ các quy định của Luật Xử lý VPHC và các Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành, Nghị định quy định về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực. Mặc dù, Luật xử lý VPHC 2012 đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật xử lý VPHC năm 2020; Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP thay thế bằng Nghị định 118/2021/NĐ-CP đã khắc phục được một số vấn đề bất cập song vẫn còn có những vấn đề chưa được giải quyết, phát sinh bất cập mới, khó khăn cho công tác xử phạt VPHC tại địa phương, cụ thể như sau: Khó khăn trong việc xác định "yếu tố lỗi" trong VPHC (lỗi cố ý, lỗi vô ý), mức độ của hành vi VPHC (không nghiêm trọng, ít nghiêm trọng, nghiêm trọng…), mức độ phức tạp của vụ việc (tình tiết phức tạp, nhiều tình tiết phức tạp) …dẫn đến lúng túng trong quá trình áp dụng do hiện nay chưa có quy định hướng dẫn cụ thể. Khó khăn trong việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 9 Luật Xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2020). Khó khăn trong việc thực hiện quy định về thời hạn chuyển biên bản VPHC và hồ sơ đề nghị xử phạt VPHC trong trường hợp người lập Biên bản không có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại khoản 5 Điều 58 Luật sửa đổi, bổ sung Luật xử lý VPHC 2020 (trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản). Khó khăn trong việc tổ chức cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt VPHC/Quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả…

                 Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thi hành pháp luật xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh thời gian qua và yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, để khắc phục các tồn tại hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý VPHC, Sở Tư Pháp đề nghị: Các bộ, ngành liên quan hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý VPHC, các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật xử lý VPHC và các Nghị định chi tiết hướng dẫn thi hành; ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể những nội dung còn quy định chung chung trong Luật và Nghị định để việc áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính đảm bảo thống nhất, đồng bộ. Các Bộ, Ngành có liên quan sớm đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về xử phạt vi phạm hành chính vào triển khai thực hiện; đồng thời xây dựng phần mềm phục vụ cho công tác ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, báo cáo số liệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhất là lĩnh vực giao thông đường bộ để lực lượng Thanh tra ngành Giao thông vận tải thực hiện thống nhất trên cả nước.

Xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy cho các cơ quan chức năng, tăng cường đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ tham mưu về công tác thi hành pháp luật xử lý VPHC đủ về số lượng và có năng lực nghề nghiệp, trình độ chuyên môn vững về xử lý VPHC. Tăng cường kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu và trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt VPHC; thực hiện nghiêm việc xử lý kỷ luật theo Nghị định 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ quy định về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật xử lý VPHC. Bảo đảm các điều kiện cho công tác thi hành pháp luật xử lý VPHC như xây dựng cơ chế tài chính, cơ sở vật chất và trang thiết bị, cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC.

                Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về  công tác tổ chức thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; quan tâm, chú trọng việc tập huấn chuyên sâu về kỹ năng nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính cho các đối tượng làm nhiệm vụ này. Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra nhằm kịp thời đánh giá, hướng dẫn để cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ ngày càng đạt hiệu quả trong công tác xử lý vi phạm hành chính, tránh để sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan nhà nước”.

             Với các giải pháp đồng bộ và sự chung tay của các sở, ngành và chính quyền các cấp, tin tưởng rằng công tác thi hành pháp luật về XLVPHC trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật hành chính, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội địa phương, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

 


Trần Vân

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.