Bên cạnh đó việc tăng cường bảo đảm ANTT trường học và các công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức pháp luật trong nhà trường được Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường và toàn thể cán bộ, giáo viên, người lao động xác định là công tác đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho các em học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Các họat động tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại nhà trường đã góp phần giúp các em học sinh nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, rèn luyện đạo đức, trau dồi kỹ năng sống. Đồng thời, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, giảm thiểu hành vi vi phạm, lệch chuẩn ở lứa tuổi vị thành niên và ngăn ngừa tệ nạn xã hội xâm phạm vào học đường. Chính từ những hoạt động trên đã nâng cao hiệu quả trong công tác Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại trường THPT Chuyên Lam Sơn; trong đó phải kể đến những kết quả nổi bật như:
Trên cơ sở quy định chức năng nhiệm vụ của mình, nhà trường đã triển khai đầy đủ, kịp thời các chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục trong nhà trường. Các nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục trong năm học 2023-2024; tập trung tuyên truyền, phổ biến các luật và quy định pháp luật mới ban hành liên quan đến quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Các hoạt động PBGDPL hướng tới mục đích tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật của cán bộ, viên chức, nhà giáo, người lao động, người học sinh trong nhà trường. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống của giáo viên, học sinh. Khuyến khích tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên; tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; các hội thi năng khiếu trên cơ sở tự nguyện của nhà trường, phụ huynh và học sinh, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí và nội dung học tập của học sinh trung học. Các hoạt động đó góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thân thiện; giúp học sinh tránh được các tệ nạn xã hội.
Nhà trường đã thực hiện nâng cao chất lượng dạy và học môn Giáo dục Công dân theo hướng cung cấp kiến thức, rèn luyện kỹ năng thực hiện các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền và nghĩa vụ trong các lĩnh vực pháp luật gắn với cuộc sống và học tập của học sinh; bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng do Bộ GDĐT quy định. Tổ chức dạy học linh hoạt theo hướng tích hợp bằng nhiều hình thức như: kể chuyện pháp luật, sân khấu hóa, tích cực sưu tầm các tài liệu, hình ảnh minh họa, ví dụ thực tiễn cho từng tiết học, cung cấp các kiến thức mang tính thực tiễn, gần gũi với đời sống hàng ngày; tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; hướng dẫn, định hướng cho học sinh việc sử dụng internet để tự tìm hiểu, trang bị kiến thức về pháp luật. Đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn GDCD, tăng cường ra đề theo hướng "mở" để học sinh liên hệ, phân tích, bình luận, biểu đạt chính kiến và định hướng hành vi của mình. Nhờ vậy, thông qua môn GDCD đã cung cấp nhiều thông tin pháp luật cho học sinh, đã giúp học sinh trang bị kiến thức pháp luật cho bản thân để hành động, xử sự trong cuộc sống theo đúng pháp luật.
Phát huy hiệu quả mô hình “Trường học an toàn về ANTT” và mô hình “Cổng trường an toàn về trật tự an toàn giao thông”. Nhà trường đã tích cực phối hợp với Công an Phường, Công an Thành phố và Công an tỉnh trong việc tổ chức cho học sinh ký cam kết, đặc biệt chú trọng giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng chống ma túy, phòng chống xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, an toàn thực phẩm, phòng chống tác hại của thuốc lá, pháp luật về bảo vệ môi trường, quy tắc ứng xử trong trường học... Đây là biện pháp vừa giáo dục, vừa ngăn ngừa hành vi vi phạm cho học sinh. Từ khi nhà trường chuyển sang cơ sở mới, để bảo đảm cho các em học sinh xa nhà tham gia học tập, nhà trường đã thành lập Khu Kí Túc Xá học sinh và duy trì tốt bảo đảm học sinh nhà trường chấp hành nội quy, quy chế, trật tự nội vụ, tài liệu học tập, thẻ học sinh nội trú; cũng như trong việc bảo đảm phòng chống cháy nổ, ANTT tại khu kí túc xá. Điển hình là cấp ủy, lãnh đạo nhà trường đã phối hợp với Công an Phường sở tại chủ động nắm chắc tình hình, diễn biến về ANTT, ATGT, tệ nạn xã hội tại địa bàn phường và khu vực cổng trường từ đó đảm bảo ATGT tại cổng trường học và kịp thời phát hiện, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội để ngăn chặn xử lý kịp thời.
Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã thực hiện việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện công tác bảo đảm ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Tăng cường kiểm tra, giám sát trong các Chi bộ và Đảng viên trong chi bộ gắn với triển khai công tác bảo đảm ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Tích cực vận động tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, giáo viên và học sinh hưởng ứng các đợt phát động cao điểm tuyên truyền vận động trong các dịp tổ chức: “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ” 19/8; “Ngày toàn dân phòng chống Ma túy” 26/6; “Ngày hội toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”…
Với những kết quả đó đã góp phần giữ gìn trật tự an ninh trong nhà trường, tạo điều kiện để thầy cô giáo dạy tốt, học sinh học tập tốt, góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng cho thành tích giáo dục của tỉnh nhà. Đồng thời qua đó xây dựng tinh thần các thế hệ học sinh tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật./.
Lâm Anh |
Nguồn tin: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa |
File đính kèm |