THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

Bảo đảm tốt an sinh xã hội

Ngày tạo:  26/03/2024 16:39:07
Với vai trò cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong các lĩnh vực xã hội như: bảo trợ xã hội, BHXH, người có công, bảo vệ chăm sóc trẻ em... Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã khẳng định vai trò nòng cốt trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, làm tốt công tác an sinh xã hội (ASXH), từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân trên địa bàn.
Đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đến thăm, tặng quà cho các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Ảnh: Tô Hà

Đến nay, 100% người nghèo trên địa bàn tỉnh đã được cấp thẻ BHYT, hàng ngàn người nghèo đã được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, qua đó từng bước thoát nghèo bền vững, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm dần qua các năm. Tính đến cuối năm 2023, số hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh giảm còn 35.320 hộ, đạt tỷ lệ 3,52%, giảm 14.573 hộ so với cuối năm 2022, tương ứng giảm 1,47%; như vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân giai đoạn 2022 - 2023 đạt 1,63%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra... Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt; thu nhập bình quân đầu người tăng theo từng năm.

Bên cạnh đó, hệ thống chính sách trợ giúp xã hội không ngừng được mở rộng, bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi. Đồng thời, hỗ trợ người dân về BHXH, BHYT, BHTN tạo những điểm tựa an sinh vững chắc cho người dân. Theo số liệu thống kê, tính đến hết 11/2023, tổng số lao động tham gia BHXH là 485.412 người, đạt 91,6% kế hoạch năm. Đặc biệt, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt chính sách BHYT, đồng thời có nhiều chính sách hỗ trợ riêng cho các đối tượng yếu thế.

Cùng với công tác giảm nghèo, chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định đối với trên 807,6 nghìn lượt đối tượng chính sách người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng với tổng kinh phí thực hiện hơn 1.582 tỷ đồng. Đến nay, đã có trên 99,5% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; 100% các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng. Các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nhân sự để đáp ứng yêu cầu chăm sóc, điều dưỡng người có công, nhất là thương binh nặng.

Song song với các hoạt động trên, bằng những giải pháp được triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tình hình lao động - việc làm trên địa bàn tỉnh cơ bản đã ổn định; thị trường lao động cơ bản được phục hồi. Trong năm, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho khoảng 62.850 lao động, vượt 8,36% kế hoạch năm và tăng 5% so với cuối năm 2022; trong đó, đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho 14.710 lao động, gấp 2,94 lần kế hoạch năm và tăng 25,1% so với năm 2022, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị trên địa bàn tỉnh xuống còn 2,8%, giảm tỷ lệ thiếu việc làm nông thôn xuống còn 5,8% và giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội xuống còn 31,1%, vượt 0,4% mục tiêu kế hoạch năm đề ra...

Có thể khẳng định, trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, việc thực hiện chính sách ASXH đã thể hiện trách nhiệm, nghĩa tình của các cấp, các ngành với người dân, để “không ai bị bỏ lại phía sau” và sẽ là động lực để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục vững bước trên chặng đường phát triển.


Vũ Thị Hương - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.