Đánh giá một cách toàn diện, Sở Tư pháp đã thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh về việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong việc thực hiện nhiệm vụ của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Sở Tư pháp quan tâm chỉ đạo, triển khai trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ được giao: Các nhiệm vụ của ngành tư pháp theo Đề án 06, như rà soát văn bản quy phạm pháp luật triển khai Đề án 06 phục vụ triển khai định danh và xác thực điện tử, tích hợp thông tin giấy tờ công dân trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VneID; đổi mới cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực tư pháp trên cổng dịch vụ công quốc gia; hướng dẫn số hóa dữ liệu hộ tịch; thực hiện đơn giản hóa hồ sơ, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính đối với dịch vụ công thiết yếu lý lịch tư pháp, đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn; kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu chuyên ngành (hộ tịch, lý lịch tư pháp…) với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh được Sở Tư pháp triển khai kịp thời, hiệu quả theo kế hoạch đã đề ra. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC cũng như được hưởng thụ các dịch vụ công một cách nhanh chóng, thuận tiện trên cơ sở hạ tầng thông tin số rộng khắp; đồng thời góp phần triển khai hiệu quả Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ.
Về công tác tham mưu, chỉ đạo triển khai: Triển khai thực hiện Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 13/02/2023 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Đề án 06 năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 332/KH-STP ngày 11/5/2023 về triển khai thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Sở Tư pháp năm 2023. Ngày 26/4/2023, Sở Tư pháp ban hành văn bản số 850/STP-HCTP gửi Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai liên thông 02 nhóm thủ tục hành chính: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xoá đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp tại Công văn số 429/HTQTCT-HT ngày 21/4/2023. Trong quá trình triển khai thực hiện liên thông thủ tục hành chính đã ban hành các văn bản hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện thủ tục hành chính liên thông về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xoá đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 20/6/2023 thực hiện nhập dữ liệu hộ tịch trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, ban hành 03 văn bản đôn đốc việc thực hiện nhập dữ liệu hộ tịch trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Về hoàn thiện thể chế: Sở Tư pháp đã ban hành văn bản đề nghị các sở, ngành thực hiện rà soát toàn bộ các văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý có quy định về TTHC và liên quan đến định danh và xác thực điện tử; quy định về việc cấp các giấy tờ cá nhân hoặc xác nhận thông tin cá nhân của công dân để phục vụ cho việc nghiên cứu tích hợp các thông tin liên quan trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VneiD; Công văn số 618/STP-XDVB ngày 27/3/2024 đề nghị các sở, ngành thực hiện rà soát toàn bộ các văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành thực hiện Đề án triển khai ứng dụng dữ liệu về dân cư và xác thực điện tử còn hiệu lực. Kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật cho thấy trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá không ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến định danh và xác thực điện tử.
Về thực hiện dịch vụ công trực tuyến: Sở Tư pháp đã triển khai nhiệm vụ số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ. Hiện nay, hồ sơ thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết của Sở Tư pháp (Lý lịch tư pháp, Luật sư, công chứng, đấu giá tài sản…) đều được tiếp nhận tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Số lượng TTHC đã cung cấp trên cổng dịch vụ công:174 thủ tục (trong đó có 22 thủ tục không xác định là dịch vụ công trực tuyến). Dịch vụ công trực tuyến toàn trình: 37 thủ tục (tỷ lệ 21%) Dịch vụ công trực tuyến 1 phần: 115 thủ tục (tỷ lệ 67%).
Về hạ tầng công nghệ thông tin: Sở Tư pháp đã bố trí đầy đủ trang thiết bị máy tính, máy in, máy scan đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ cho công tác giải quyết thủ tục hành chính. Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức Sở Tư pháp là 91 người, trong đó: cơ quan Sở 41 người, các đơn vị trực thuộc 50 người. Đã bố trí tổng số 95 máy tính, trong đó có 4 máy tính xách tay và 91 máy tính để bàn. Máy in: 23 cái; Switch: 12; Máy chiếu: 01; Máy scan: 03. Sở đã thuê đường truyền băng thông rộng, chất lượng cao; sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng. Hạ tầng công nghệ thông tin của Sở đáp ứng yêu cầu hoạt động công tác triển khai Đề án 06 và hoạt động của cơ quan; 100% cán bộ, công chức, viên chức được bố trí máy vi tính kết nối Internet đường truyền băng thông rộng; phối hợp với VNPT Thanh Hoá đã chuyển đổi IPv4 sang IPv6. Về tình hình kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu phục vụ thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công: Sở Tư pháp đã phối hợp với trung tâm phục vụ hành chính công thực hiện tích hợp kết nối Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh để phục vụ công tác giải quyết TTHC về hộ tịch; kết nối hệ thống quản lý Lý lịch tư pháp với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác giải quyết TTHC về Lý lịch tư pháp.
Về công tác bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin trong quản lý dữ liệu: Sở Tư pháp đã tăng cường triển khai quán triệt các quy định về đảm bảo an toàn hệ thống thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; ban hành Kế hoạch số 03/KH-STP ngày 04/01/2023 về ứng dụng công nghệ thông tin năm 2023; Việc sửa chữa máy vi tính, thiết bị nhớ ngoài, phương tiện điện tử có tính năng lưu giữ thông tin dùng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước bị hư hỏng do cán bộ công nghệ thông tin cơ quan, tổ chức thực hiện. Trường hợp thuê dịch vụ bên ngoài được giám sát chặt chẽ. Sửa chữa xong, đều được kiểm tra trước khi sử dụng. Hiện nay, Hệ thống thông tin của Sở Tư pháp và các đơn vị trực thuộc đã được phê duyệt cấp độ độ an toàn hệ thống thông tin; Sở đã phân công, bố trí 01 cán bộ thực hiện công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ BMNN trên môi trường mạng, hằng năm đều tham gia các đợt bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về bảo vệ BMNN, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trên môi trường mạng do UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Về dữ liệu: Các hồ sơ sau khi tiếp nhận và kết quả giải quyết đều được tiến hành số hóa, nhằm hình thành kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân. Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công của các cơ quan hành chính Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC cũng như được hưởng thụ các dịch vụ công một cách nhanh chóng, thuận tiện; đồng thời giúp triển khai hiệu quả Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ. - Ngày 20/6/2023, Sở Tư pháp đã phối hợp với Công an tỉnh, các sở, ngành có liên quan xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 168/KH-UBND về thực hiện nhập dữ liệu hộ tịch trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thực hiện Kế hoạch số 168/KH-UBND, các địa phương triển khai các hoạt động nhập dữ liệu hộ tịch và hoàn thành việc nhập dữ liệu trước ngày 31/12/2023. Hiện nay, Sở Tư pháp hướng dẫn các địa phương tiếp tục thực hiện scan các trang Sổ hộ tịch vào Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch để hoàn thành việc Số hóa Sổ hộ tịch trước ngày 01/01/2025.
Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Đề án 06 được Sở Tư pháp quan tâm triển khai và thực hiện, Sở Tư pháp đã quán triệt tới 100% cán bộ công chức trong đơn vị về mục đích, ý nghĩa của Đề án 06. Thực hiện triển khai thông qua hội nghị và những cuộc họp của cơ quan, đơn vị. Việc tuyên truyền được quan tâm thực hiện trên môi trường mạng với các bài viết được đăng tải trên Trang thông tin điện tử về phổ biến, giáo dục pháp luật, qua Zalo, Facebook…; các nội dung tuyên truyền được thực hiện lồng ghép tại hàng chục hội nghị tuyên truyền pháp luật do Sở Tư pháp tổ chức, qua đây đã nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ và nhân dân trong quá trình triển khai và thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của chính phủ đối với Đề án 06.
Sở Tư pháp thường xuyên quan tâm, đôn đốc các địa phương trong quá trình triển khai nhiệm vụ, Sở đã bố trí Đoàn kiểm tra để làm việc với nhiều địa phương, trực tiếp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, qua đây ghi nhận những kết quả tốt trong quá trình thực hiện, nhân rộng những điển hình, đồng thời kịp thời giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ của Đề án 06 thuộc lĩnh vực Tư pháp quản lý đảm bảo đúng mục tiêu mà UBND tỉnh đề ra, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Những kết quả đạt được là cơ bản và toàn diện, những khó khăn thường xuyên được tháo gỡ, tuy nhiên Sở Tư pháp vẫn gắp những khó khăn trong quá trình triển khai nhiệm vụ như: Mặc dù việc liên thông 02 nhóm thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế; đăng ký khai tử, xoá đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng đã đạt được kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên quá trình thực hiện vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Phần mềm liên thông; Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp vẫn còn có lúc bị lỗi, đăng nhập chậm hoặc không đăng nhập được nên việc thực hiện thủ tục gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến thời gian giải quyết hồ sơ. Công chức Tư pháp - Hộ tịch nhiều địa phương vẫn sử dụng các máy tính có cấu hình thấp, không phù hợp với việc cài đặt chữ ký số và cài đặt dấu ban hành văn bản điện tử. Từ hạn chế đó Sở Tư pháp đã kiến nghị các cơ quan chức năng cần nâng cấp phần mềm liên thông và phần mềm chuyên ngành, đảm bảo cho việc thực hiện 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông: Đăng ký khai sinh - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi - đăng ký thường trú; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú- trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng đảm bảo thông suốt, tạo thuận lợi cho người dân và công chức thực hiện thủ tục hành chính hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Những kết quả đạt được là bước đầu, quá trình triển khai nhiệm vụ cần tiếp tục được chỉ đạo và triển khai hiệu quả do đó Sở Tư pháp xác định đây là nhiệm vụ quan trọng cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo và triển khai đảm bảo hiệu quả cũng như đáp ứng nhu cầu của nhân dân phù hợp với thực tiễn, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh ổn định và phát triển./.
Lâm Anh |
Nguồn tin: Phổ biến giáo dục pháp luật |
File đính kèm |