Theo chân cán bộ tín dụng NHCSXH Thường Xuân, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi bò thịt của gia đình anh Trần Văn Tỉnh ở thôn Hồng Kỳ, xã Thọ Thanh. Anh Tỉnh phấn khởi cho biết: "Từ năm 2020 trở về trước, gia đình tôi luôn nằm trong danh sách hộ cận nghèo của xã. Cuối năm 2020, nhận thấy chăn nuôi bò thịt mang lại hiệu quả kinh tế, bằng nguồn vốn tích lũy và vay mượn người thân, tôi đầu tư xây dựng chuồng trại và mua bò về nuôi nhốt (với hình thức mua bò gầy, sau 2 đến 3 tháng vỗ béo sẽ bán). Đầu năm 2021, được sự giới thiệu, hướng dẫn của Hội Nông dân xã, tôi vay 90 triệu đồng từ chương trình tín dụng cho hộ cận nghèo từ NHCSXH huyện Thường Xuân. Bằng nguồn vốn này, gia đình đầu tư mua thêm 5 con bò, kết hợp trồng 7 sào cỏ voi để chăn nuôi".
Để đàn bò phát triển tốt, gia đình anh Tỉnh đặc biệt quan tâm đến khâu chăm sóc như: cho ăn đúng giờ, tiêm vắc-xin phòng bệnh, chuồng trại luôn vệ sinh sạch sẽ và lắp quạt mát cho đàn bò vào mùa hè. Từ việc chăn nuôi bò vỗ béo, mỗi năm gia đình anh thu lãi gần 200 triệu đồng. Hiện gia đình anh Tỉnh đã thoát nghèo, kinh tế phát triển. Cũng theo anh, nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện Thường Xuân mà gia đình anh mới có điều kiện sản xuất và chăn nuôi, có việc làm và mang lại nguồn thu nhập ổn định, đặc biệt là thoát nghèo bền vững.
Bằng nguồn vốn vay 200 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ việc làm từ NHCSXH và nguồn vốn tự có, năm 2020 gia đình anh Lê Văn Thanh ở thôn Tân Lập, xã Xuân Dương đã đầu tư xây dựng nhà màng để trồng dưa Kim Hoàng hậu trên diện tích 7 sào đất nông nghiệp của gia đình. Để có kiến thức sản xuất, gia đình anh đã thuê kỹ sư ở Công ty TNHH Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ cao Lam Sơn (Thọ Xuân) về chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cách trồng, chăm sóc dưa. Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cây dưa Kim Hoàng hậu phát triển tốt, ít sâu bệnh. Hiện nay, mỗi năm gia đình anh trồng 3 vụ dưa, xuất bán khoảng 25 tấn quả, trừ chi phí thu lãi 350 triệu đồng. Ngoài ra, tận dụng nguồn đất, gia đình anh trồng thêm dưa baby, mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng. Sản phẩm dưa Kim Hoàng hậu và dưa baby của gia đình anh được các siêu thị ở Hà Nội, Hưng Yên về tận vườn thu mua với giá luôn ổn định. Hiện, gia đình anh tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động và 10 lao động thời vụ.
Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Thường Xuân, ông Đỗ Hoài Nam, cho biết: Từ chức năng, nhiệm vụ được giao, đơn vị đã chủ động, trực tiếp tham gia công tác giảm nghèo, thông qua việc tập trung huy động, tạo lập, tăng trưởng nguồn vốn, chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, nhằm tạo bước đột phá công tác giảm nghèo, đơn vị đã đổi mới phương thức đầu tư, cấp tín dụng; lồng ghép việc sử dụng vốn chính sách cho đối tượng được vay. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách”, đơn vị đã tham mưu kịp thời cho Huyện ủy, UBND huyện ban hành các văn bản cụ thể để triển khai thực hiện sâu rộng chỉ thị. Tính đến ngày 13/5/2024, Phòng Giao dịch NHCSXH Thường Xuân đã thực hiện cho vay 16 chương trình tín dụng, với tổng dư nợ đạt gần 636 tỷ đồng, cho trên 11.268 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng gia đình chính sách vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Ngoài ra, từ năm 2018 đến nay phòng giao dịch đã giải ngân cho 602 người đi xuất khẩu lao động, với số tiền 9 tỷ 223 triệu đồng.
Để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, phòng giao dịch đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, như: Hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên thực hiện ủy thác vay vốn để người dân dễ tiếp cận với nguồn vốn. Cùng với đó, phòng giao dịch phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể mở các lớp tập huấn công tác quản lý vốn vay và hướng dẫn người dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích.
Có vốn vay ưu đãi hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Thường Xuân đã đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ đó, góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí XDNTM, đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế tại địa phương.
Ông Cầm Bá Kình, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thường Xuân đánh giá: Tín dụng chính sách đã góp phần tích cực giúp người dân chủ động phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, mở mang ngành nghề nông thôn. Bên cạnh đó, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực vào việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 trên địa bàn huyện xuống còn 15,13%.
Trong thời gian tới, huyện Thường Xuân tiếp tục thực hiện nhiều chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường công tác tuyên truyền về nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho người dân được vay vốn, hỗ trợ người lao động có nguồn vốn nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo trong năm 2025.
Bài và ảnh: Khắc Công |
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa |
File đính kèm |