THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

NỖ LỰC TRONG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN GÓP PHẦN GIẢM THIỂU TÌNH TRẠNG TẢO HÔN VÀ HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG TRONG VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI TỈNH THANH HÓA

Ngày tạo:  03/06/2024 07:11:38
Nhằm giảm đến mức thấp nhất tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, trong những năm qua Ban Dân tộc và UBND các huyện vùng DTTS &MN đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú và hiệu quả.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số, do đó việc đẩy mạnh tuyên truyền để giảm thiểu tình trạng này là hết sức cần thiết. Theo đó, Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 đã được triển khai trên toàn quốc. Đối với tỉnh Thanh Hóa, Ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, huyện liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS tỉnh thanh Hóa đến năm 2020” được phê duyệt tại Quyết định số 3715/QĐ-UBND ngày 25/9/2015.

Năm 2020, kết thúc giai đoạn I của Đề án 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tổng kết Đề án theo Quyết định 3715/QĐ-UBND của UBND tỉnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được một số kết quả đáng phấn khởi, đó là: Có sự vào cuộc chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân; tổ chức được các hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức như: Hội nghị, báo, đài, truyền hình, truyền thanh, trang thông tin điện tử; nói chuyện chuyên đề; thi Rung chuông vàng trong trường phổ thông (Như Thanh, Quan Hóa); thi Thiếu nữ các DTTS với vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (Như Thanh); xây dựng các mô hình điểm (để tư vấn sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, sinh hoạt CLB giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống); biên soạn, cấp phát các ấn phẩm tuyên truyền đến tận xã và thôn bản để tuyên truyền trong nhân dân (pa nô, áp phích, tờ rơi, tờ gấp, sổ tay hỏi đáp). Thông qua các hoạt động đó, tỷ lệ tảo hôn trên toàn vùng miền núi tỉnh ta đã giảm đáng kể từ 4,12% năm 2016 xuống còn 0,91% năm 2020; đặc biệt, không còn hôn nhân cận huyết thống.

Tuy nhiên, trong xu thế bùng nổ thông tin đa chiều, một số thanh thiếu niên đi làm ăn xa, một số khác đi học tập trung... trong điều kiện dễ tiếp xúc, gần gũi thường xuyên nên dễ dẫn đến tình trạng tảo hôn lại có xu hướng tăng lên: Theo thống kê từ các huyện năm 2021 có 125 cặp tảo hôn/6.306 cặp kết hôn chiếm tỷ lệ 1,98%; năm 2023, trong tổng số 6.036 cặp kết hôn có 101 cặp tảo hôn chiếm tỷ lệ 1,67%. Năm 2021, phát sinh 01 cặp kết hôn cận huyết thống ở huyện Mường Lát.

Do đó, để giảm đến mức thấp nhất tiến đến xóa bỏ hoàn toàn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, Ban Dân tộc đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 22/4/2021 để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025; theo đó, tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chủ yếu:

Thứ nhất, tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân nhằm làm thay đổi cho được nhận thức và hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thông qua cả các hình thức trực tiếp và gián tiếp, như: Mở các hội nghị tuyên truyền cho đồng bào nhất là đồng bào ở các xã biên giới, xã ĐBKK và nhóm các DTTS còn gặp nhiều khó khăn; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (Báo, Đài, Trang Thông tin điện tử), hệ thống loa truyền thanh cơ sở; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động với các hoạt động: Giao lưu văn hóa, lễ hội, hội thi, sân khấu hóa; hoạt động hòa giải tại cộng đồng; các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt của chính quyền, đoàn thể và thôn bản; các hoạt động ngoại khóa trong trường học; sinh hoạt của các câu lạc bộ, tổ nhóm …

Thứ 2, biên soạn, in ấn, cấp phát các tài liệu, sản phẩm truyền thông như: Tờ rơi, tờ gấp, áp phích, Sổ tay hỏi đáp pháp luật về HN&GĐ, phòng, chống bạo lực gia đình, vấn đề tảo hôn, HNCHT đến cơ sở và thôn bản thuộc phạm vi đề án để tuyên truyền trong nhân dân.

Thứ 3, UBND các huyện, xã thuộc phạm vi ĐA duy trì và nhân rộng, xây dựng mới các Mô hình về “Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” (mô hình xã và mô hình trường).

Kết quả đã thực hiện được các nội dung của Ban Dân tộc và các huyện vùng DTTSMN từ năm 2021 đến nay như sau:

Ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các bên liên quan: Tổ chức 02 hội nghị tập huấn về kiến thức và kỹ năng tuyên truyền cho 252 đại biểu là đội ngũ báo cáo viên, tuyên tuyền viên cấp xã thuộc các xã ĐBKK, xã biên giới; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp huyện của các huyện vùng DTTS&MN của tỉnh; tổ chức 10 hội nghị tuyên truyền về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 1.789 đại biểu là cán bộ thôn bản, người có uy tín và người dân thuộc các xã ĐBKK, xã biên giới, các thôn bản đồng bào dân tộc Mông, Khơ mú; tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành các sản phẩm truyền thông và cấp phát đến 174 xã, 21 thôn bản vùng DTTS&MN của tỉnh với số lượng: 9.015 cuốn sổ tay, 14.340 tờ áp phích, 44.970 tờ gấp (trong đó, mỗi xã vùng DTTS&MN được cấp 50 quyển sổ tay, 80 tờ áp phích, 250 tờ gấp; mỗi thôn vùng DTTS&MN được cấp 15 quyển sổ tay, 20 tờ áp phích, 70 tờ gấp); tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa, Báo Dân tộc và Phát triển và nhiều bài viết tuyên truyền trên Trang Thông tin điện tử của cơ quan Ban Dân tộc và các cơ quan khác.

Các huyện đã tổ chức được 16 hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền; 230 hội nghị tuyên truyền cho người dân tại cơ sở; tổ chức 13 hội thi rung chuông vàng, 19 buổi nói chuyện chuyên đề, ngoại khóa, 09 cuộc thi sân khấu hóa tại các trường học, 01 cuộc thi sân khấu hóa cấp huyện. In ấn, cấp phát 28 pa nô, 45 băng rôn, 12.700 tờ rơi tuyên truyền…Các huyện đã xây dựng được các mô hình điểm để tập trung, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, bao gồm: 3 mô hình thôn bản; 15 mô hình xã; 9 mô hình trường học; bên cạnh đó là các hoạt động lồng ghép tuyên truyền tại các hội nghị của xã, thôn bản, sinh hoạt văn nghệ, thể thao tại cộng đồng.

Qua công tác tuyên truyền, đa số người dân đã nhận thức được tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết không chỉ có tác động xấu tới sức khỏe, sinh sản…mà còn là hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình; tạo được sự đồng thuận trong xã hội để ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.

Để tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, trong thời gian tới, Ban Dân tộc sẽ hướng dẫn, đôn đốc các địa phương vùng DTTS&MN phối hợp chặt chẽ hoạt động của chính quyền với hoạt động của các tổ chức đoàn thể, các trường học để đẩy mạnh các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng truyền thông cho đội ngũ, báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở; các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho người dân trên địa bàn, tập trung vào các dân tộc, địa bàn có tỷ lệ tảo hôn cao và còn xảy ra tình trạng hoặc có nguy cơ cao hôn nhân cận huyết thống, bằng cách đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền đến nhiều đối tượng đặc biệt là đối tượng trẻ vị thành niên, thanh niên trước độ tuổi kết hôn, thông qua các hình thức gần gũi, cuốn hút nhiều người tham gia như: sân khấu hóa, tổ chức các buổi ngoại khóa tại trường học, các cuộc thi tìm hiểu, hoạt động tư vấn sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở; soạn thảo, in ấn, phát hành các sản phẩm truyền thông với nội dung tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, các vấn đề liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...; nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình điểm tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...

                                             

Một số ảnh tư liệu của bài viết:

Ảnh 1. Đồng chí Cầm Bá Tường - Phó Trưởng Ban Dân tộc khai mạc hội nghị tại huyện Thường Xuân – năm 2022

Ảnh 2. Đại biểu dự hội nghị huyện Thường Xuân tham gia thảo luận – năm 2022

Ảnh 3. Báo cáo viên Hội LHPN tỉnh truyền đạt chuyên đề tại hội nghị huyện Quan Hóa năm 2022

Ảnh 4. Báo cáo viên Sở Tư pháp giảng bài tại Hội nghị tổ chức tại thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân – năm 2023

Ảnh 5. Báo cáo viên Chi cục Dân số - KHHGĐ giảng bài tại HN tổ chức tại Thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn năm 2024

Ảnh 6. Lãnh đạo huyện Mường Lát phát biểu tại hội nghị tuyên truyền cho người dân huyện Mường Lát – năm 2024


Tôn Minh Nguyệt – Ban Dân tộc tỉnh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.