THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

Nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân trên địa bàn thành phố Sầm Sơn

Ngày tạo:  11/06/2024 10:09:42
Ngày 11 tháng 8 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 977/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”. Đề án được triển khai thực hiện trong phạm vi cả nước, thời gian thực hiện Đề án từ năm 2023 - 2030. Đề án được xây dựng với mục tiêu tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả, toàn diện các giải pháp, nhiệm vụ nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật. Qua đó góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân theo pháp luật, sử dụng pháp luật của người dân để thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp, hình thành thói quen, văn hóa sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

     Ủy ban nhân dân thành phố Sầm Sơn luôn xác định việc tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Ngày 01/11/2022, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 5629/QĐ-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” trên địa bàn thành phố Sầm Sơn. Từ đó, nhằm chỉ đạo kịp thời, có hiệu quả và toàn diện các giải pháp bao gồm rà soát, đề xuất chính sách liên quan đến tiếp cận pháp luật của người dân bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, khả thi, phù hợp với từng giai đoạn.

     Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ động thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận pháp luật. Nâng cao năng lực giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố trong hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật, phát huy trách nhiệm xã hội trong việc hỗ trợ thông tin pháp luật, tư vấn pháp luật cho người dân. Hoàn thiện các quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, tiếp cận thông tin để đổi mới nội dung, phương thức thực hiện theo hướng các cơ quan thuộc thành phố tạo mọi điều kiện cần thiết cho người dân chủ động tiếp cận thông tin pháp luật trên địa bàn. Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về việc hoàn thiện chính sách và các mô hình nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân thủ pháp luật của người dân. 

     Quán triệt, thông tin, truyền thông thường xuyên, liên tục bằng các hình thức phù hợp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của pháp luật đối với đời sống xã hội; sự cần thiết của việc chủ động nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của người dân. Khảo sát, đánh giá nhu cầu, thực trạng thực hiện, sử dụng pháp luật của người dân; nghiên cứu, xây dựng, triển khai các mô hình, hình thức tiếp cận pháp luật phù hợp với từng đối tượng, địa bàn thuộc phạm vi quản lý. Cung cấp, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng tìm hiểu, khai thác pháp luật bằng các hình thức phù hợp, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép trong sinh hoạt cộng đồng. 

     Một số hình ảnh về các hình thức tuyên truyền tiếp cận pháp luật cho người dân:

Tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật tại Trường THPT Sầm Sơn
Công an tuyên truyền cho học sinh THCS về thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Cán bộ Đồn Biên phòng Sầm Sơn phát tờ rơi tuyên truyền ngư dân an tâm bám biển, chấp hành nghiêm các quy định trong hoạt động đánh bắt thủy sản 
Công an tuyên truyền người dân về các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Công an tuyên truyền về trật tự ATGT cho các chủ phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn thành phố
Một trong những nội dung Tờ rơi tuyên truyền được phát cho người dân

     Đồng thời, củng cố, nâng cao hiệu quả đường dây nóng và các kênh tiếp nhận, trả lời kiến nghị, phản ánh, giải đáp, tư vấn, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Kiện toàn đội ngũ hội viên có kiến thức pháp luật, kỹ năng hỗ trợ thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý. Nâng cao năng lực, hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức đại diện của đối tượng đặc thù thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho hội viên, thành viên của tổ chức mình. Tổ chức bình chọn, tôn vinh, khen thưởng công dân gương mẫu, người tốt, việc tốt trong xây dựng, bảo vệ, thực hiện pháp luật; thu hút, biểu dương các sáng kiến hữu ích trong hỗ trợ tiếp cận pháp luật và nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân trên địa bàn thành phố.

Sáng kiến lắp đặp mô hình camera an ninh nhằm nâng cao nhận thức tuân thủ pháp luật cho người dân

      Mục đích của kế hoạch là nhằm triển khai kịp thời, hiệu quả, thống nhất và toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp tại đề án nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật. Từ đó, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân theo pháp luật, sử dụng pháp luật của người dân; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, địa phương trên địa bàn về tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

       Mặc dù đã có nhiều cơ chế, biện pháp, giải pháp nhằm bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật nhưng việc triển khai trên thực tế hiện nay vẫn còn gặp một số hạn chế, khó khăn, đó là:

       - Một bộ phận người dân, nhất là các nhóm đặc thù, yếu thế còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin trong đó có thông tin pháp luật cũng như việc sử dụng pháp luật để thực hiện quyền, tự bảo vệ quyền của mình. Nhận thức của người dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của pháp luật đối với đời sống và việc hiểu biết, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích còn hạn chế.  

      - Thể chế, chính sách, các cơ chế bảo đảm công khai, minh bạch để người dân tiếp cận chủ trương, chính sách, pháp luật được thuận lợi, kịp thời, đầy đủ còn bất cập, chưa thông suốt, thuận tiện. Việc đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị và nâng cao năng lực của các cơ quan, chủ thể nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế.

     Những yếu tố trên ảnh hưởng đến tiếp cận pháp luật, năng lực tiếp cận của người dân và do nhiều nguyên nhân, có cả khách quan và chủ quan, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu như sau:

      Một số cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ chưa nhận thức sâu sắc và đầy đủ về trách nhiệm của mình, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận pháp luật. Bên cạnh đó, nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của pháp luật đối với đời sống xã hội, cũng như thực trạng nhận thức và hiểu biết về pháp luật của người dân, đặc biệt là nhóm đặc thù, yếu thế còn hạn chế.

      Một số quy định pháp luật nhằm thiết lập, triển khai có hiệu quả các cơ chế, biện pháp bảo đảm, tạo điều kiện người dân tiếp cận với chính sách, pháp luật còn bất cập, chưa bảo đảm tính thông suốt, kịp thời, thuận lợi, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin chưa được đẩy mạnh. Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo Nghị định số 52/2015/NĐ-CP chưa quy định phạm vi đăng tải văn bản quy phạm pháp luật đến cấp huyện và cấp xã, do đó việc khai thác, sử dụng văn bản của người dân chưa thực sự thuận tiện, dễ dàng, thông suốt. Đặc biệt chưa chú trọng nghiên cứu, đề xuất, triển khai các cơ chế đặc thù đối với công tác PBGDPL tại một số địa phương, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù, nhất là vấn đề nguồn lực và xã hội hóa để triển khai công tác này được kịp thời, thường xuyên, liên tục.

      Tư duy, cách thức trong việc đưa pháp luật đến người dân ở một số cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ này còn xuất phát từ ý chí chủ quan, chưa thực sự bám sát với yêu cầu của thực tiễn, nhu cầu của người dân. Kỹ năng, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ thực hiện công tác này vẫn còn chưa đồng đều, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ cơ sở ở một số địa bàn còn hạn chế...

       Ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật số và đầu tư nguồn lực phục vụ các hoạt động cung cấp thông tin, PBGDPL và các thiết chế bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hòa giải chưa đồng bộ, chưa phù hợp, tương xứng với yêu cầu thực tiễn.  

       Để nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho người dânkịp thời hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong tiếp cận, sử dụng pháp luật để thực thi quyền, nghĩa vụ của mình cũng như bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, cần thực hiện một số giải pháp sau:

      Thứ nhất, hoàn thiện chính sách, thể chế bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật (tập trung nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện các quy định pháp luật về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, tiếp cận thông tin, trợ giúp pháp lý, luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng...). 

     Thứ hai, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép trong sinh hoạt cộng đồng...xây dựng đường dây nóng và các kênh tiếp nhận, trả lời kiến nghị, phản ánh, giải đáp, tư vấn, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

     Thứ ba, tăng cường giám sát, phản biện xã hội trong thực hiện pháp luật về quyền con người, quyền công dân và trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức trong bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật. Các tổ chức chính trị xã hội cần tăng cường vận động người dân, hội viên của tổ chức mình tự giác, chủ động tìm hiểu, chấp hành pháp luật; tư vấn pháp luật miễn phí, hỗ trợ người dân giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc về pháp luật; xây dựng, triển khai các sáng kiến, mô hình hiệu quả trong hỗ trợ tiếp cận pháp luật và nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân. Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh trong việc nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân. 

     Thứ tư, mở rộng mạng lưới các cơ quan, tổ chức hỗ trợ thông tin pháp luật, tư vấn pháp luật, trong đó tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, tư vấn viên pháp luật... và tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước trong hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Kiện toàn đội ngũ nhân lực có kiến thức pháp luật, kỹ năng hỗ trợ thông tin pháp luật, phổ  biến giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý; xây dựng, triển khai các chương trình phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý phù hợp với từng đối tượng.

     Thứ năm, đề ra giải pháp đầu tư, hỗ trợ nguồn lực kinh phí, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin bảo đảm các hoạt động của các cơ quan, chủ thể có thẩm quyền phục vụ yêu cầu tiếp cận pháp luật (bố trí kinh phí, cơ sở vật chất, các phương tiện, thiết bị phục vụ các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ và các chương trình, đề án được giao bảo đảm hiệu quả; quan tâm bố trí kinh phí, tăng cường nguồn lực cho các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp, tổ chức đại diện của đối tượng đặc thù; đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn lực và tạo điều kiện cho các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp triển khai hiệu quả hoạt động hỗ trợ thông tin pháp luật, tư vấn pháp luật; bố trí nguồn lực, đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số quốc gia; xây dựng, thực hiện Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực PBGDPL bảo đảm cung cấp thông tin pháp luật đầy đủ, kịp thời, nhanh chóng, thuận lợi.

      Thời gian tới, thành phố Sầm Sơn sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân. Từ đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hiểu biết pháp luật để sử dụng pháp luật làm công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, xây dựng văn hóa pháp lý trong đời sống xã hội, lấy pháp luật làm thước đo cho tính hợp pháp và văn minh của hành vi con người. Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” cũng sẽ góp phần đưa pháp luật thực sự "đi vào đời sống", đồng thời giúp mỗi người dân "hiểu pháp luật để sống đúng, sống cống hiến và hạnh phúc".


Nguyễn Trang - Phòng Tư pháp UBND thành phố Sầm Sơn

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.