Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đưa lao động địa phương ra nước ngoài làm việc góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo; những năm qua, các ban, sở, ngành liên quan, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xuất khẩu lao động (XKLĐ); phổ biến về pháp luật, chế độ, chính sách, giúp người lao động hiểu rõ chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về XKLĐ; đồng thời giúp người dân, nhất là lao động vùng sâu, vùng xa tiếp cận đầy đủ thông tin các đơn hàng, nhu cầu tuyển lao động và hỗ trợ pháp lý trong quá trình làm hồ sơ vay vốn, xuất cảnh... Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác XKLĐ ở các địa phương cũng gặp không ít khó khăn, bởi nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo muốn đi XKLĐ nhưng không có chi phí ban đầu để học định hướng, khám sức khỏe; nhiều hộ gia đình và người lao động còn tâm lý không muốn đi làm việc xa, ngại tiếp cận những điều kiện mới...
Nhằm tháo gỡ khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh công tác XKLĐ tại các huyện nghèo, vùng dân tộc thiểu số (DTTS), Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định, hướng dẫn các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc tại nước ngoài, như: Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 4/3/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025; Thông tư 46/2022/TT-BTC ngày 28/7/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, ngày 15/8/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 55/2023/TT-BTC quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, quy định rõ về nội dung, hình thức, mức hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi đi làm việc ở nước ngoài.
Theo đó, lao động là người DTTS, lao động là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo sinh sống ở vùng DTTS và miền núi có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài sẽ được hỗ trợ, gồm: hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề; hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ; tiền ăn, ở, sinh hoạt phí, tiền trang cấp đồ dùng cá nhân, tiền đi lại trong thời gian đào tạo; hỗ trợ chi phí làm thủ tục đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài... Về hình thức hỗ trợ: hỗ trợ đào tạo, bổ túc kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ thông qua cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ với các cơ sở đào tạo nghề, ngoại ngữ hoặc doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trường hợp không đủ điều kiện hoặc không lựa chọn được đơn vị thực hiện dịch vụ hoặc người lao động đã hoàn thành khóa học từ trước đó thì thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người lao động khi đủ điều kiện xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài căn cứ các hóa đơn, chứng từ thực tế...
Tại các huyện nghèo trên địa bàn tỉnh, thực hiện Tiểu dự án 2 (thuộc Dự án 4) về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2021-2023 tổng kinh phí Trung ương giao là 9 tỷ 122 triệu đồng, trong đó năm 2022 là 2 tỷ 140 triệu đồng, năm 2023 là 6 tỷ 982 triệu đồng. Tính đến hết năm 2023, các địa phương được thụ hưởng chính sách đã thực hiện phân bổ 100% vốn để tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, hiện mới chỉ giải ngân được khoảng 1 tỷ 090 triệu đồng, đạt 11,95% số vốn giao để hỗ trợ cán bộ làm công tác tư vấn và thân nhân người đi làm việc tại nước ngoài, hỗ trợ người đi làm việc ở nước ngoài theo quy định; trong đó, huyện Bá Thước đã có quyết định hỗ trợ cho 58 lao động và hỗ trợ cán bộ làm công tác tư vấn và thân nhân người đi làm việc ở nước ngoài với kinh phí 435 triệu đồng, huyện Quan Hóa hỗ trợ 75 triệu đồng, huyện Quan Sơn hỗ trợ 5 triệu đồng, Mường Lát hỗ trợ 20 triệu đồng (7 lao động)... các huyện nghèo còn lại đang tiến hành triển khai thực hiện các hoạt động khác do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai với kinh phí 127 triệu đồng.
Theo đánh giá của ban chỉ đạo giảm nghèo thì tiến độ giải ngân của tiểu dự án 2 đạt thấp, chủ yếu do người lao động không cung cấp được hóa đơn, chứng từ đối với các khoản thu học tiếng, giáo dục định hướng, chi phí xuất cảnh dùng để thanh toán với cơ quan Nhà nước. Trong khi đó, thực tế ở các địa phương cho thấy, công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thu thập, lưu giữ hồ sơ, giấy tờ liên quan đến việc thanh toán chi phí hỗ trợ chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về chế độ, chính sách cho người lao động chưa thường xuyên, liên tục làm ảnh hưởng đến tiến độ hỗ trợ cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài thuộc tiểu dự án 2...
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và tiếp tục triển khai có hiệu quả tiểu dự án 2 về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ngoài nỗ lực của người dân và các đơn vị đưa người lao động đi XKLĐ, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của các chương trình MTQG trong công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Bên cạnh đó, các địa phương cần cụ thể hóa các mục tiêu, chính sách hỗ trợ của chương trình MTQG vào trong các kế hoạch đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài hằng năm; đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của chương trình để tạo “bệ đỡ” cho người lao động tự tin hơn khi quyết định đi XKLĐ.
Bài và ảnh: Trần Hằng |
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa |
File đính kèm |