THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

Như Xuân bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

Ngày tạo:  24/07/2024 07:15:42
Với 4 dân tộc anh em cùng sinh sống là Thái, Thổ, Mường, Kinh, đến nay trên địa bàn huyện Như Xuân còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống từ phong tục, tập quán, tín ngưỡng dân gian, các lễ hội, trò chơi dân gian... Bởi vậy, trong những năm qua, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch là vấn đề được huyện quan tâm thực hiện. Từ đó, góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến tham quan và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

 

                                                            Lớp tập huấn, bảo tồn sắc phục của đồng bào dân tộc Thổ (thị trấn Yên Cát).

       Thôn Tân Hùng (xã Thanh Phong) hiện có 164 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho phong cảnh thiên nhiên đẹp, say đắm lòng người, với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn và có dòng suối dài khoảng 2km bắt đầu từ thác nước cao 9 tầng từ trong rừng chảy ra sông Chàng. Nét độc đáo nhất ở đây, là toàn thôn còn duy trì được gần 100 ngôi nhà sàn, trong đó có khoảng 20 ngôi nhà còn lưu giữ những nét đặc sắc nhất của nhà sàn Thái cổ.

       Hiện nay, người dân, đặc biệt là phụ nữ trong thôn vẫn thường xuyên mặc trang phục cổ truyền của dân tộc Thái trong đời sống hàng ngày. Trong thôn, cũng còn nhiều hộ đang duy trì khung dệt vải cổ truyền. Hầu hết các bà, các chị có thể tự mình dệt và may áo, váy, khăn để sử dụng. Số người am hiểu các điệu khặp Thái, nhạc cụ sáo, khèn bè, trống, cồng chiêng cũng còn nhiều. Vào mỗi dịp lễ, tết bà con thường xuyên biểu diễn các tiết mục như khua luống, nhảy sạp... Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để thôn đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng.

       Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế đó, UBND huyện Như Xuân đã xây dựng đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Tân Hùng, xã Thanh Phong giai đoạn 2024-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, nhằm phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống của địa phương, đặc biệt là bảo tồn làng cổ văn hóa dân tộc Thái, nâng cao ý thức của cộng đồng địa phương và khách du lịch trong bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Đồng thời, phát triển du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của xã Thanh Phong và của huyện Như Xuân tạo sinh kế mới hỗ trợ cho cộng đồng địa phương giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.

       Đề án đã định hướng sẽ phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng thôn Tân Hùng đó là, tham quan, trải nghiệm, ngắm cảnh thung lũng hoa, tìm hiểu nhà sàn truyền thống, thưởng thức ẩm thực, giao lưu văn hóa, văn nghệ, trải nghiệm nghề dệt, đan lát và tìm hiểu đời sống cộng đồng của dân tộc Thái... Phấn đấu đến năm 2025, thu hút được 2.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, lưu trú tại thôn. Tổng thu du lịch đạt 700 triệu đồng.

       Để sớm hiện thực hóa mục tiêu mà đề án đã đề ra, huyện đã xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án. Trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ như, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch; tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch...

       Cùng với thôn Tân Hùng, đến nay huyện Như Xuân còn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Thái, Mường và Thổ với nhiều lễ hội đặc sắc như, lễ hội Đình Thi (của đồng bào dân tộc Thổ); lễ hội Dâng trâu tế trời tại đền Chín Gian (của cộng đồng dân tộc Thái); và nhiều phong tục, tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ, trang phục truyền thống, trò chơi dân gian. Thời gian qua, để khai thác bản sắc văn hóa tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa. Đồng thời, quan tâm dành nguồn lực cho việc trùng tu, tôn tạo nhiều di tích lịch sử - văn hóa; khuyến khích các địa phương thành lập các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian, phục dựng, duy trì nhiều lễ hội, lễ tục văn hóa truyền thống, như: tục cầu mưa, múa cát sa, khua luống, hát khặp, nhảy sạp, ném còn, kéo co (của đồng bào dân tộc Thái); hát đốm, hát ru, hát chậm đò ho, múa hát trống chiêng, đi cà kheo, ném còn, kéo co (của đồng bào dân tộc Thổ). Nhiều lớp tập huấn, truyền dạy văn hóa phi vật thể của các dân tộc cũng đã được tổ chức ở các bản, làng thu hút đông đảo bà con tham gia. Ngoài ra, hiện nay huyện cũng đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng theo Quyết định số 1573/QĐ-UBND, ngày 26/4/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Như Xuân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nhờ đó, những năm gần đây, du lịch của huyện ngày càng khẳng định vị trí của mình trong lòng du khách, thể hiện qua những con số ấn tượng về lượng du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tính trung bình mỗi năm toàn huyện đón được khoảng 6.000 lượt khách đến tham quan.

       Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch theo hướng tăng khả năng cạnh tranh, chuyên nghiệp, an toàn, văn minh, thân thiện, đậm bản sắc văn hóa dân tộc; ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch mới. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng thực hành bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể ngay chính trong đời sống cộng đồng. Tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ sản phẩm du lịch tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh đầu tư vào hoạt động du lịch trên địa bàn...

 

 

 


Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
Nguồn tin: Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.