Nguyên nhân dẫn đến TNLĐ chủ yếu do người sử dụng lao động và người lao động còn xem nhẹ, chưa tuân thủ pháp luật về lao động, an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về an toàn lao động. Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh điều kiện làm việc chưa đảm bảo; thiết bị, công nghệ lạc hậu; có tư tưởng làm ăn manh mún, chạy theo lợi nhuận kinh tế, chưa quan tâm đến hậu quả và tác hại lâu dài do không làm tốt công tác ATVSLĐ. Chưa xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; chưa huấn luyện hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động; chưa trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc phương tiện bảo vệ cá nhân của người lao động không đảm bảo. Trong khi, lực lượng cán bộ quản lý về lao động, ATVSLĐ quá mỏng; đối tượng quản lý về ATVSLĐ, số lượng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ngày càng nhiều. Do đó, công tác tuyên truyền, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục...
Về phía người lao động, vẫn còn phổ biến tình trạng vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn an toàn lao động, biện pháp làm việc an toàn; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân; ý thức chấp hành pháp luật lao động còn hạn chế, chủ quan, coi thường tính mạng, không tuân thủ các quy định về ATVSLĐ, dẫn đến vẫn còn xảy ra các vụ TNLĐ. Gần đây nhất là các vụ TNLĐ xảy ra tại Trường Tiểu học Thành Yên (Thạch Thành) làm 1 người chết; tại Công ty CP Xi măng Đại Dương (thị xã Nghi Sơn) làm 1 người chết; tại khu vực mỏ khai thác đá của Công ty TNHH Đá ốp lát Hoan Liên đóng trên địa bàn xã Thanh Xuân (Như Xuân) làm 1 người chết.
Hậu quả của TNLĐ không thể đo đếm hết được. Về phía chủ lao động thiệt hại là không nhỏ khi phải đứng trước các khoản chi phí bồi thường, trợ cấp cho người lao động, gia đình người lao động. Uy tín của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng, hoạt động sản xuất, kinh doanh có thể bị gián đoạn. Đối với gia đình có người chết TNLĐ còn thiệt thòi hơn nhiều khi mất đi người thân, mất lao động chính trong gia đình. Với người bị thương tật nhẹ do TNLĐ thì tổn hại sức khỏe, khả năng làm việc, nặng thì tài chính kiệt quệ, lâm vào cảnh nợ nần do chi phí điều trị, bệnh tật đeo đẳng...
Theo ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để phòng ngừa, giảm thiểu các vụ TNLĐ, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan thường trực của Hội đồng ATVSLĐ tỉnh) đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt công tác ATVSLĐ nhằm cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật ATVSLĐ đến các đối tượng, chủ thể có liên quan. Mở các lớp tập huấn, huấn luyện bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ các cấp; người sử dụng lao động; người làm công tác ATVSLĐ, người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh quan tâm sức khỏe người lao động, thực hiện quan trắc môi trường lao động và phối hợp với các tổ chức thực hiện kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, ATVSLĐ nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm. Xử lý nghiêm những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm các quy định về ATVSLĐ để chấn chỉnh, ngăn ngừa TNLĐ.
Triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 31-CT/TW, ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới; Chương trình ATVSLĐ tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 210/2021/NQ-HĐND, ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh; Kế hoạch số 20/KH-UBND, ngày 27/1/2022 của UBND tỉnh.
Các ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động lập kế hoạch, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn, huấn luyện, giám sát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quản lý tuân thủ thực hiện pháp luật lao động, ATVSLĐ, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về ATVSLĐ và các quy trình, biện pháp ATVSLĐ. Đặc biệt chú trọng vào một số ngành nghề, lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ. Siết chặt công tác quản lý; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành việc thực hiện công tác ATVSLĐ...
Đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ ở địa phương, các cấp chính quyền cần tăng cường công tác hướng dẫn, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về ATVSLĐ để người lao động nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATVSLĐ và phòng ngừa, góp phần hạn chế thấp nhất những sự cố, TNLĐ đáng tiếc xảy ra, giúp người lao động yên tâm làm việc và doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Mai Phương |
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa |
File đính kèm |