Tại diễn đàn, 156 người chấp hành xong án hình sự trên địa bàn huyện Nông Cống đã được các cơ quan chức năng, Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa trang bị kiến thức về một số quy định pháp luật có liên quan, như: Quyền và nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật; quyền và nghĩa vụ của người chấp hành xong án phạt tù được quy định trong Luật Thi hành án hình sự; pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự, xử lý vi phạm hành chính; các văn bản pháp luật liên quan đến bảo đảm an ninh - trật tự, an toàn xã hội của địa phương.
Ngoài ra, đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa cũng trực tiếp tư vấn về hồ sơ, thủ tục vay vốn cho người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề.
Tại diễn đàn những người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn huyện đã được 13 doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng nhân sự trên địa bàn huyện Nông Cống thông tin về nhu cầu tuyển dụng việc làm.
Diễn đàn tư vấn pháp lý, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn cho người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức xã hội, cơ quan, đoàn thể tại cơ sở về công tác giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù. Đồng thời, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đào tạo nghề hoặc sản xuất, kinh doanh.
Được biết, trong 3 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm tỉnh Thanh Hóa có gần 2.000 người chấp hành xong án phạt tù trở về nơi cư trú, sinh sống. Để hỗ trợ và giúp đỡ những người này tái hòa nhập cộng đồng, toàn tỉnh đang duy trì hoạt động của 84 mô hình quản lý, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi ở cộng đồng dân cư; đã có 353 người chấp hành xong án phạt tù được hỗ trợ vay vốn theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với dư nợ gần 32 tỷ đồng.
Khánh Phương |
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa |
File đính kèm |