THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

Phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Ngày tạo:  22/10/2024 09:58:58
(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho học sinh, sinh viên (HSSV) và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; góp phần nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành nghiêm pháp luật.
Tiểu phẩm tại hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội tại Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa.

Nhằm giáo dục cho HSSV ý thức thực hiện các hành vi của mình theo quy định của pháp luật, Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa đã thực hiện chương trình giảng dạy bắt buộc môn pháp luật đối với tất cả các lớp học nghề (15 tiết cho trình độ trung cấp, 30 tiết cho trình độ cao đẳng). Đồng thời, có giáo án về pháp luật liên quan riêng cho từng ngành nghề cụ thể. Với HS tốt nghiệp THCS học nghề tại trường đăng ký học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, nhà trường định hướng cho các em chọn môn giáo dục kinh tế và pháp luật trong các môn tự chọn để học chính trong chương trình. Theo đó, mỗi khối lớp đều học 70 tiết và có thể chọn thêm chuyên đề học tập của môn với thời lượng 35 tiết/năm. Đặc biệt, nhằm lan tỏa ý thức chấp hành pháp luật cho HSSV, năm 2023 nhà trường đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội. Thông qua hình thức sân khấu hóa, HSSV trong toàn trường nắm rõ hơn các quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội. Qua đó truyền tải những hiểu biết về pháp luật một cách sinh động, dễ hiểu, tạo sự lan tỏa sâu rộng; giúp HSSV thực hiện tốt các nội quy, quy định của trường, lớp, tránh xa các tệ nạn xã hội và hạn chế tối đa các vi phạm pháp luật.

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 66 cơ sở GDNN, gồm 11 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp, 31 trung tâm GDNN và 9 cơ sở khác có đăng ký hoạt động GDNN. Thực hiện Quyết định số 1260/QĐ-TTg, ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng cường công tác PBGDPL trong các cơ sở GDNN giai đoạn 2022-2027” và Kế hoạch số 221/KH-UBND, ngày 11/10/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai, thực hiện chương trình Tăng cường công PBGDPL trong các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2027, từ đầu năm 2023 đến nay, 100% cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền, PBGDPL theo bộ chương trình, giáo trình, tài liệu PBGDPL cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động. Bảo đảm nội dung tuyên truyền, PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng cơ sở; 100% người học tại các cơ sở GDNN được tuyên truyền, phổ biến, thông tin đầy đủ, rộng rãi về pháp luật GDNN, các nội dung pháp luật liên quan trực tiếp đến ngành, nghề đào tạo, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp nhằm giúp người học nhận thức và thực hiện tốt các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chương trình môn học Pháp luật theo đúng quy định, đảm bảo thời lượng bài học, tiết học và số giờ giảng dạy theo khung chương trình đào tạo quy định. Cụ thể, sau khi Luật GDNN năm 2014 có hiệu lực, ngày 26/9/2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 13/2018/TT-BLĐTBXH về việc ban hành chương trình môn học Pháp luật thuộc khối các môn học chung trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, trong đó có quy định nội dung giảng dạy pháp luật phòng, chống tham nhũng tại Bài số 4 đối với trình độ trung cấp và Bài số 7 đối với trình độ cao đẳng. Các đơn vị đã xây dựng kế hoạch, chương trình môn học Pháp luật theo đúng quy định, đảm bảo thời lượng bài học về pháp luật phòng, chống tham nhũng từ năm học 2013-2014 đến 2017-2018 là 5 giờ (4 giờ lý thuyết, 1 giờ thảo luận) đối với trình độ cao đẳng nghề, 4 giờ (3 giờ lý thuyết, 1 giờ thảo luận) đối với trình độ trung cấp nghề; từ năm học 2018-2019 đến nay là 2 giờ (1 giờ lý thuyết, 1 giờ thảo luận/bài tập) đối với cả trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp.

Ngoài các hoạt động trên, các cơ sở GDNN tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động tham quan, học tập thực tế về công tác PBGDPL; xây dựng các tiểu phẩm, phóng sự, câu chuyện giải quyết tình huống pháp luật mang ý nghĩa tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật liên quan đến việc học tập, giảng dạy, góp phần làm đa dạng, phong phú môi trường nghiên cứu, học tập trong các cơ sở GDNN. Đồng thời, tổ chức ký cam kết với công an sở tại về chấp hành pháp luật của cán bộ, giáo viên, HSSV. Ngoài ra, các cơ sở GDNN luôn cập nhật, đổi mới nội dung tuyên truyền, PBGDPL phù hợp với từng nhóm đối tượng tại đơn vị. Trong đó tập trung tuyên truyền, PBGDPL về vai trò, tầm đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả GDNN; vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực có kỹ năng nghề. Đoàn thanh niên các trường cao đẳng, trung cấp lập các nhóm zalo, facebook lồng ghép tuyên truyền kiến thức pháp luật, các hội thi, hội diễn được đông đảo HSSV tham gia tương tác.

Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hoàng Ngọc Trung cho biết: Nhằm nâng cao hoạt động tuyên truyền, PBGDPL, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai tuyên truyền Quyết định số 1260/QĐ-TTg và Kế hoạch số 221/KH-UBND. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quy chế phối hợp giữa các cấp, các đơn vị trong công tác PBGDPL; xác định rõ nội dung, chương trình, phương thức phù hợp, hình thức triển khai với nhóm đối tượng và đặc điểm tình hình đơn vị để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL trong các cơ sở hoạt động GDNN trên địa bàn toàn tỉnh.


Bài và ảnh: Trần Hằng
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.