THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

TỈNH THANH HÓA
   

NGUỒN GỐC RA ĐỜI VÀ MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM

Ngày tạo:  04/11/2024 10:33:57
Trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là công cụ quản lý Nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự pháp triển kinh tế - xã hội. Ở nước ta, thời gian qua, cùng với việc không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống trở thành yêu cầu cấp thiết, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả. Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11) hàng năm là dịp quan trọng để chúng ta cùng nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành luật, góp phần xây dựng một xã hội trật tự, công bằng và văn minh.

1. Nguồn gốc ra đời của Ngày Pháp luật

         Ngày 09 tháng 11 năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được ban hành. Hiến pháp đã thể hiện triệt để tinh thần, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Sau đó, các bản Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 thì những tư tưởng lập hiến, những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân và mô hình tổ chức Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bản Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta.

         Tháng 6 năm 2012, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật số 14/2012/QH13 (Luật Phổ biến giáo dục pháp luật). Luật này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Luật Phổ biến giáo dục pháp luật ra đời đã quy định quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

         Theo đề xuất của Chính phủ, ngày 09/11 - Ngày ban hành Hiến pháp 1946 được xác định là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đã được chính thức luật hóa tại Điều 8 của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 như sau: “Ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.

2. Mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật

         Thông qua Ngày Pháp luật giúp cho mọi tổ chức, cá nhân, công dân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn, là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật. Qua đó, những người thi hành pháp luật cũng sẽ nhận được những thông tin phản hồi, những quan điểm đánh giá về tất cả các quy định pháp luật cũng như cách thức thực hiện, hiệu quả của hệ thống pháp luật đối với đời sống xã hội. Từ đó hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, cũng như cải thiện, nâng cao hoạt động của hệ thống tư pháp. 

         Ngày pháp luật năm 2024 được chọn với chủ đề: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; hỗ trợ, đồng hành, tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp; nâng cao kỷ cương, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực của ngành Tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. 

         Do vậy, Ngày Pháp luật Việt Nam có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội.


Mỹ Loan - Phòng Tư pháp

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.